Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh

Đại diện Bộ Công Thương cho biết con số 464 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được cắt giảm mới chỉ là kết quả bước đầu trong kế hoạch chung của Bộ đưa ra. Bộ sẽ tiếp tục đưa ra lộ trình cắt giảm sâu và mạnh nữa những ĐKKD bất hợp lý, gây phiền hà cho DN.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương, đây là một dịp để nhìn lại những cố gắng, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong những năm vừa qua, đồng thời tiếp nhận thêm những ý kiến đóng góp từ các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp (DN), cá nhân để Bộ Công Thương hoàn thiện hơn nữa công tác đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, DN; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017 là năm bản lề của không chỉ ngành công thương mà còn trên toàn quốc trong công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN. Đây là chủ trương xuyên suốt từ lãnh đạo Chính phủ lan rộng ra đến toàn ngành.

Ngành công thương trong năm 2017 đã có những bước tiến trong công tác cải cách TTHC. Trong năm này, Bộ đã ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính với mục tiêu chưa từng có là đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính trên tổng số 453 TTHC của ngành, tại 17 lĩnh vực, 40 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 9 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng, 2 thông tư liên tịch và 28 Thông tư.

Tính đến thời điểm tháng 9/2017, Bộ đã đơn giản hóa được 56 thủ tục (tương đương với 12,4% tổng số TTHC của Bộ thời điểm hiện tại).

Bên cạnh nỗ lực đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, giấy tờ, Bộ Công Thương còn tiến hành hiện đại hóa các TTHC thông qua việc triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên ban hành thông tư về DVCTT. Trong năm 2017, Bộ đã đặt ra mục tiêu triển khai mới và nâng cấp các TTHC từ 155 dịch vụ công thực tuyến ở mức độ 3,4 lên thành 177 DVCTT.

Hơn nữa, hơn 95% DVCTT của Bộ Công Thương đều không thu phí. Các hồ sơ DVCTT cấp độ 4 đều được xử lý hoàn toàn trên nền tảng số, kết quả sẽ được trả trực tuyến hoặc theo đường bưu điện.

Cuối năm 2016, Bộ đã xây dựng cổng DVCTT chung tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn. Cổng dịch vụ chung này giúp toàn bộ quy trình xử lý DVCTT của Bộ được thực hiện trên mạng thông qua một tài khoản duy nhất, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp. Thời gian tới, Bộ sẽ đặt mục tiêu mỗi hồ sơ người dân, DN gửi đến sẽ được phản hồi sau 2h.

Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 453 TTHC ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã), với 1.212 điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Để tạo thuận lợi, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN trong suốt thời gian qua, mới đây, ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017-2018.

Theo đó, 464 ĐKKD được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 38,15% tổng số các ĐKKD của Bộ.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu trong kế hoạch chung của Bộ đưa ra, chưa phải là con số cuối cùng. Bộ sẽ tiếp tục đưa ra lộ trình cắt giảm sâu và mạnh nữa những ĐKKD bất hợp lý, gây phiền hà cho DN.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, những thành quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương có một phần đóng góp không nhỏ của các DN, người dân cũng như ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp trong các hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định TTHC của ngành, Bộ đã trực tiếp xứ lý nhiều nội dung liên quan đến bãi bỏ, đơn giản hóa TTHC, rà soát trình Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành, phối hợp với Bộ để triển khai thực thi ngay, đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và cộng đồng DN.

Tại hội nghị, các DN cho rằng nhờ những cải cách trong TTHC của Bộ Công Thương thời gian qua mà hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, chi phí, thời gian DN bỏ ra để thực hiện các TTHC cũng giảm đi rất nhiều; đồng thời, bày tỏ kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ là bộ đầu tiên cán đích về cải cách TTHC theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các sở vì Bộ hiện nay đang ôm đồm quá nhiều giấy phép khiến cho các Sở Công Thương và DN bức xúc vì phải chờ đợi lâu; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc chia sẻ thông tin, dữ liệu chung để tạo điều kiện cho các cơ quan trong cùng hệ thống và người dân DN trong quá trình khai báo.

Rà soát để bãi bỏ thêm các ĐKKD hiện đang quy định theo quy mô DN vì đây là những quy định vi phạm tinh thần “DN có thể làm những gì mà pháp luật không cấm”; những quy định chứng nhận về công bố hợp quy, hợp chuẩn cũng rất cần được chú trọng. Nên thay đổi theo hướng để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm mà không cần các giấy chứng nhận, công bố của cơ quan Nhà nước.

Phản hồi các DN, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, công tác quản lý của Bộ đang trong quá trình chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, “khi đã chuyển sang hậu kiểm Bộ không thể ôm xuể, mà phải phân cấp mạnh mẽ, không chỉ về cấp giấy phép mà còn phân cấp trong quản lý, nâng cao trách nhiệm địa phương giám sát các chủ thể, DN bằng các cách thức ràng buộc bởi Nghị quyết 35 của Chính phủ”.

Vì vậy, ông Tân cho rằng, sắp tới đây, trách nhiệm của các địa phương sẽ nặng nề hơn, nhưng sẽ có sự hỗ trợ của các đơn vị để cùng thực hiện.

Về quy trình chứng nhận hợp quy, ông Tân cho biết với Quyết định mới đây của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục đầu tư kinh doanh, hoạt động này sẽ chuyển dần từ trách nhiệm kiểm tra, công bố của cơ quan Nhà nước sang việc DN tự đi xét nhiệm kiểm tra, công bố và tự chịu trách nhiệm với kết quả công bố của mình như kỳ vọng của các DN. “Bộ Công Thương sẽ cùng trao đổi với các bộ liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để có các giải pháp đơn giản hóa tối đa thủ tục này”, ông Tân cho biết.

Tin cùng chuyên mục