Trong 4 tháng đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã tăng hơn 30%. Ảnh: Tường Lâm |
Kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động, chủ yếu do kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn địa chính trị. Bên cạnh đó, những thông tin về lạm phát tại Mỹ tăng cao ngoài dự đoán đã ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng thế giới. Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12/4/2024). Trong nước, chỉ trong 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần trong một ngày. Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng. Để tăng cung ra thị trường, NHNN đã thực hiện 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC.
Tại tọa đàm “Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” cuối tuần qua, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đặt vấn đề: “Tại sao cùng một chính sách quản lý là Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng giai đoạn từ 2013 - 2021, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đáng kể. Từ năm 2022 đến nay, giá vàng trong nước lại cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều, biến động giá vàng trong nước cũng mạnh hơn biến động của giá vàng thế giới. Vậy vấn đề có phải chỉ là do mất cân đối cung và cầu vàng hay không?”.
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, giá vàng trong nước biến động mạnh hơn giá vàng thế giới do thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng về xu hướng nhưng lại không liên thông với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư và tích lũy tài sản khác như chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm, bất động sản mang lại lợi nhuận thấp ở thời điểm hiện tại, cùng với tâm lý đua theo đám đông đi mua vàng càng đẩy giá vàng lên.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc cần làm ngay là sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, đặc biệt là quy định về độc quyền nhập khẩu và cung ứng vàng miếng. “Quy định này được đưa ra năm 2012 với mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế. Việc đấu thầu vàng miếng năm 2013 nhằm cung ứng vàng để các ngân hàng tất toán trạng thái vàng. Đến nay, sứ mệnh của các quy định này đã hoàn thành và thị trường đã phát triển lên mức độ mới nên cách thức quản lý cần thay đổi”, ông Nghĩa nói.
Vàng chỉ là một loại tài sản tích trữ và đầu tư, cần được điều tiết theo thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Ảnh: Tường Lâm |
Theo ông Nghĩa, việc sửa Nghị định 24 nên theo hướng bỏ độc quyền nhập khẩu vàng miếng, lựa chọn một số công ty vàng lớn, đủ năng lực để vừa có thể nhập khẩu vàng, vừa có thể sản xuất vàng trang sức. Nhà nước nên quản lý bằng công cụ thuế với mức thuế nhập khẩu vừa phải để tránh tình trạng nhập lậu vàng và số hóa quá trình nhập khẩu để kiểm soát được nguồn vàng nhập khẩu.
Về nguồn ngoại tệ nhập khẩu vàng, ông Nghĩa cho biết, chỉ cần dùng khoảng 3 tỷ USD có thể nhập khẩu được khoảng 50 tấn vàng, đủ đáp ứng nhu cầu vàng trong cả năm của thị trường Việt Nam. Số ngoại tệ này chỉ tương ứng 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả và bằng 1/5 nguồn kiều hối hàng năm nên không ảnh hưởng quá lớn với dự trữ ngoại hối.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vàng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho biết, NHNN dùng khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu vàng, thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng miếng vào năm 2013 và xử lý được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế bằng việc thực thi Nghị định 24. Theo ông Tuấn, hiện nay, quy định tại nghị định này cần sửa theo hướng không nên duy trì vàng miếng SJC, có thể xem xét vàng là sản phẩm đầu tư với việc xây dựng sàn giao dịch vàng vật chất, có lưu ký, có kho ngoại quan và bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân
Về sửa Nghị định 24, theo ông Hoàng Văn Cường, Nhà nước chỉ nên độc quyền nhập khẩu và cung ứng vàng miếng khi có tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Thực tế hiện nay đã khác, các giao dịch hàng hóa trên thị trường không còn quy theo vàng như trước, vàng chỉ còn là tài sản tích trữ và đầu tư. Do đó, cần để giá vàng được điều tiết theo thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, trong đó, có thể xem xét lập sàn giao dịch vàng dưới sự quản lý của Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt các quy định khắt khe và chặt chẽ với việc sản xuất vàng miếng, bảo đảm kiểm soát chất lượng và không gây rủi ro cho người mua vàng. Cần tính cả việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản để bảo đảm tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường thế giới, song chỉ cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Đồng thời, phải kiểm soát được dòng lưu chuyển vàng vào ra trong nền kinh tế, không chỉ bằng công cụ hóa đơn mà còn có sự phối hợp của các cơ quan khác như công an, thuế, cơ quan quản lý chất lượng…