Bộ GTVT: Cần sớm có Luật về PPP

(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một trong những vấn đề cốt lõi là quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới dừng lại ở mức nghị định nên chưa đồng bộ, chưa thống nhất với các luật và tính ổn định của chính sách không cao. Đây là quan ngại lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đã ký kết hợp đồng là 207 dự án, với số vốn huy động là 395.691 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đã ký kết hợp đồng là 207 dự án, với số vốn huy động là 395.691 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Ngân sách đáp ứng dưới 30% nhu cầu

Theo số liệu của Bộ GTVT và các địa phương, tổng số dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đã ký kết hợp đồng là 207 dự án, với số vốn huy động là 395.691 tỷ đồng, trong đó có 121 dự án (chiếm 58%) đã đưa vào vận hành, khai thác và 86 dự án (chiếm 42%) đang triển khai đầu tư. Con số này đã chứng tỏ tính đúng đắn trong chủ trương kêu gọi nguồn lực đầu tư của xã hội.

Về loại hợp đồng, các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức BOT, BT; cụ thể, có 121 dự án BOT (chiếm 58,45%) với tổng vốn đầu tư là 283.670 tỷ đồng, 83 dự án BT (chiếm 40,1%) với tổng vốn đầu tư là 107.921 tỷ đồng, 2 dự án BOO (chiếm 0,97%) với tổng vốn đầu tư là 1.649 tỷ đồng và 1 dự án BOT kết hợp BT (chiếm 0,48%) với tổng vốn đầu tư là 2.451 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2015 - 2020, nhu cầu đầu tư được Bộ GTVT tổng hợp trong kế hoạch trung hạn tính riêng các dự án do Bộ GTVT quản lý lên đến 952.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ cân đối được 28% nhu cầu. Sự thiếu hụt nguồn lực này càng cho thấy sự cần thiết của việc huy động dòng tiền từ khu vực tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng giai đoạn tới.

Để thúc đẩy thu hút vốn tư nhân qua hình thức PPP, Bộ GTVT cho rằng giải pháp ưu tiên hàng đầu là cần sớm ban hành Luật Đối tác công tư, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để phù hợp với hình thức PPP và thông lệ quốc tế. Hiện tại một số nội dung chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và mỗi văn bản điều chỉnh khác nhau dẫn đến khó khăn, thậm chí tranh chấp trong thực hiện dự án PPP như khái niệm doanh nghiệp dự án, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng,… Đồng thời, phải giải quyết được những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến môi trường đầu tư, rủi ro thực hiện dự án ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư, đặc biệt là rủi ro chuyển đổi ngoại tệ. 

Chấm dứt chỉ định thầu

Giai đoạn trước năm 2016, các dự án PPP do Bộ GTVT và các UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Việc áp dụng chỉ định nhà đầu tư, theo Bộ GTVT, do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do nhiều thông số khi đấu thầu chưa xác định. Đơn cử, quy định sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành dự án, nhà đầu tư trình Bộ Tài chính xem xét ban hành Thông tư thu phí, do vậy không thể xác định giá trị chính xác khi đấu thầu.

Bộ GTVT cho biết, Bộ đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị dừng toàn bộ hình thức chỉ định thầu, kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh tại tất cả các dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, để việc đấu thầu có ý nghĩa, có đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư tham gia, ví dụ như đối với dự án cao tốc Bắc Nam, để có thể tổ chức đấu thầu, Chính phủ phải trình Quốc hội cho phép quyết định khung mức giá từng thời kỳ mới có cơ sở xác định giá trị đấu thầu.