Năm 2020, Bộ GTVT được giao 35.300,84 tỷ đồng theo kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, trong khi nhu cầu vốn đầu tư của bộ này là 37.157,24 tỷ đồng. Ảnh: Đông Giang |
Đây được xem là một giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, góp phần xử lý tồn tại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2020, Bộ GTVT được giao 35.300,84 tỷ đồng theo kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, gồm 6.131,4 tỷ đồng vốn nước ngoài; 20.895,2 tỷ đồng vốn trong nước của các dự án đã được giao kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 và 8.274,24 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch trung hạn. Bộ GTVT sẽ ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đối ứng dự án ODA, vốn nhà nước tham gia dự án PPP, các dự án hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, các dự án đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định. Sau khi bố trí vốn cho các dự án nói trên, nếu còn nguồn, Bộ GTVT mới bố trí cho dự án khởi công mới năm 2020.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở rà soát tiến độ, trình tự thực hiện của các dự án, căn cứ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Bộ GTVT đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch cả năm 2020 và phương án giao đợt I kế hoạch năm 2020 cho các dự án đủ thủ tục, đủ điều kiện giao vốn.
Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2020 của bộ này là 37.157,24 tỷ đồng, gồm 5.871,281 tỷ đồng vốn nước ngoài; 23.011,719 tỷ đồng vốn trong nước của các dự án đã được giao kế hoạch 2016 - 2020 và 8.274,24 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch trung hạn. So với kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao thì kế hoạch vốn nước ngoài dư khoảng 260,119 tỷ đồng; kế hoạch vốn trong nước thiếu khoảng 2.116,519 tỷ đồng so với nhu cầu.
Để thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ngay tại quyết định giao kế hoạch vốn năm 2020, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, thanh - quyết toán; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, phải làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn thanh toán vào thời điểm cuối năm; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước để ghi nhận giá trị giải ngân; hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong tháng 3/2020.