Bộ KH&ĐT đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo trường hợp đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ KH&ĐT đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo trường hợp đặc biệt

Quy hoạch tổng thể quốc gia được Luật Quy hoạch quy định, là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lập. Quy hoạch này liên quan tới tất cả các lĩnh vực, bao trùm toàn bộ nền kinh tế; trong khi kinh nghiệm và trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.

Tại phiên họp Hội đồng Quy hoạch quốc gia (ngày 13/6/2019) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, Phó Thủ tướng kết luận, thống nhất giao Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT là tư vấn chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia, cùng với sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên ngành của các bộ, ngành. Đồng thời, mời tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia phản biện và xây dựng một số nội dung mà tư vấn trong nước chưa có kinh nghiệm.

Theo kế hoạch được duyệt, thời gian hoàn thiện việc lập quy hoạch trong tháng 5/2021, sau đó tổ chức thẩm định, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 1/2021. Thời gian để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia không quá 30 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Hiện, nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 7/2020. Nếu được Chính phủ thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch trong tháng 7/2020, thì thời gian thực hiện từ khi lựa chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch cho đến khi hoàn thiện quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định chỉ còn 10 tháng (từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021). Đây là thời gian rất gấp để lập quy hoạch so với thời gian quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia không thể giao trực tiếp cho các bộ, cơ quan ngang bộ lựa chọn tổ chức tư vấn riêng để xây dựng các nội dung (hợp phần) của quy hoạch trong Quy hoạch tổng thể quốc gia theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công.

Do tính cấp bách và đặc thù, riêng biệt, không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định từ Điều 20 đến Điều 25 của Luật Đấu thầu năm 2013, Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án đàm phán trực tiếp với quy trình gồm 7 bước.

Bước 1, lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo phương án lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trong trường hợp đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Bước 2, Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc Bộ KH&ĐT, đề xuất giới thiệu Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT là đơn vị tư vấn chính chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu (với tư cách là nhà thầu phụ) tham gia lập các hợp phần trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, để trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chấp thuận.

Bước 3, phát hành hồ sơ yêu cầu thực hiện lập Quy hoạch tổng thể quốc gia phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch và tổng dự toán được phê duyệt.

Bước 4, nhà thầu tư vấn lập hồ sơ đề xuất, chuẩn bị nội dung thực hiện lập Quy hoạch tổng thể quốc gia tuân thủ nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.

Bước 5, tiến hành đàm phán trên cơ sở các điều kiện do nhà thầu đề xuất và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.

Bước 6, thủ tục trình, phê duyệt các nội dung lựa chọn nhà thầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Bước 7, hoàn thiện và ký kết hợp đồng (nhà thầu chính là Viện Chiến lược phát triển, nhà thầu phụ là các đơn vị tư vấn chuyên ngành của các bộ, ngành đã được xác định trong hồ sơ yêu cầu và hồ sơ đề xuất).

Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án nêu trên. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT có trách nhiệm triển khai việc lựa chọn đơn vị tư vấn chính lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo đúng phương án được chấp thuận; chỉ đạo Viện Chiến lược phát triển phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan có đủ năng lực đáp ứng được tính cấp bách, đặc thù của gói thầu (với tư cách là nhà thầu phụ) tham gia lập các hợp phần quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại phiên họp Hội đồng quy hoạch quốc gia (ngày 13/6/2019).

Tin cùng chuyên mục