Ảnh Internet |
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN so với kế hoạch đạt 38,7%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn TPCP và vốn tín dụng nhà nước còn chậm. Vốn TPCP mới giải ngân được 7.400 tỷ đồng và vốn tín dụng nhà nước giải ngân đạt 24.200 tỷ đồng, so với tốc độ giải ngân cùng kỳ năm trước giảm tương ứng 53,2% và 8,7%. Tổng hợp các nguồn vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm nay tương đương cùng kỳ các năm trước, nhưng còn thấp so với kế hoạch năm.
Trong công điện vừa phát đi, Bộ KH&ĐT đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát, chủ động và tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2017; nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về thanh, quyết toán để giải ngân vốn từ Kho bạc Nhà nước.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn thiện đăng ký kế hoạch và thủ tục các dự án đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư nguồn NSNN và TPCP năm 2017 trong tháng 7/2017 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; các dự án sử dụng vốn TPCP khởi công mới năm 2017 thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; các dự án giao thông sử dụng vốn dư Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án phòng học sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 được chuyển nguồn sang năm 2017 của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các đơn vị chủ động, khẩn trương triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tổng hợp, giao, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN và TPCP năm 2017 tại các nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận đã và sẽ ban hành trong tháng 7/2017; kịp thời phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành có liên quan để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổng hợp, giao, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Trong công điện này, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 trước ngày 15/7/2017. Đối với các dự án chuyển tiếp, hoàn thành nhưng không bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư được duyệt, đề nghị bố trí đủ vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác như đã cam kết để hoàn thành dự án theo đúng quy định; đối với trường hợp dự án không dự kiến tiếp tục bố trí đủ vốn đề nghị rà soát lại toàn bộ các dự án, thực hiện điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và thực hiện phê duyệt lại dự án theo đúng quy định.
Đối với dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, phải bố trí đủ vốn NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án ngay.
Có thể thấy, lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã rất quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang tích cực, khẩn trương rà soát các quy định tại Luật Đầu tư công, các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng tổ chức nhiều đoàn công tác, kiểm tra tại một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tổng hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công quan trọng nhất là phân cấp, phân quyền và quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Địa phương phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì lưu ý, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết, tạo tác động lan tỏa đối với nền kinh tế, nhưng giải ngân phải đi đôi với hiệu quả đầu tư, đặt hiệu quả đầu tư lên hàng đầu, không vì chạy theo số lượng, kết quả giải ngân mà thực hiện dự án kém chất lượng.