Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng, giảm thuế phôi thép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, một số bộ, ngành, hiệp hội cho rằng, không nên tăng thuế xuất khẩu phôi thép vì không chắc có thể làm giảm được giá phôi thép trong nước. Tại Dự thảo Nghị định gửi tới Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định, cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án đề xuất để Chính phủ quyết định.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Bộ Tài chính, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Ngoài ra, một số nước trên thế giới đã đẩy lùi được dịch bệnh đang triển khai nhiều chương trình kích cầu sản xuất kinh doanh trong nước, đầu tư công, phục hồi kinh tế nên có khả năng mặt bằng giá thép vẫn ở mức cao.

Theo đó, để góp phần hạ giá mặt hằng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, Bộ Tài chính xây dựng phương án, đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.

Về thuế nhập khẩu MFN (thuế theo cơ chế tối huệ quốc), Bộ Tài chính đề xuất, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 từ 15% xuống 10%; nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10 từ mức 20% và 25% xuống 15%.

Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định, nhiều bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm khác với Bộ Tài chính. Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Công Thương, năm 2021 phôi thép các loại trong nước dự kiến đạt khoảng 21,2 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và dành cho xuất khẩu. Trong khi đó, năm 2020, xuất khẩu phôi thép đạt khoảng 4 triệu tấn, trong đó 2 doanh nghiệp sản xuất phôi thép xuất khẩu lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đang dư thừa công suất. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phôi thép đạt đạt 1,7 triệu tấn. Mặc khác, việc tăng giá phôi thép trong thời gian qua theo đánh giá của Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao và sản xuất phôi thép trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt và thép phế liệu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu phôi thép.

Ngoài ra, Hiệp hội Thép và nhiều doanh nghiệp sản xuất thép (Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh, Gang thép Nghi Sơn) cũng đã có công văn đề nghị duy trì chính sách hiện hành liên quan xuất khẩu thép, không tăng thuế xuất khẩu đối với phôi thép.

VCCI cho rằng, nguồn cung phôi thép trong nước không thiếu và việc tăng thuế xuất khẩu không chắc có thể làm giảm giá phôi thép trong nước. Qua đó, khó tác động đến giá thành thép thành phẩm như mục tiêu ban đầu, VCCI nhận định.

Đối với mặt hàng thép xây dựng, Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đều cơ bản nhất trí phương án giảm thuế xuất theo đề nghị nêu trên của Bộ Tài chính. Riêng Hiệp hội Thép và một số doanh nghiệp sản xuất thép đề nghị không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các sản phẩm thép nêu trên.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp, trong hồ sơ Dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án để Chính phủ quyết định.

Theo đó, phương án 1 là chưa tăng thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng phôi thép. Phương án này được Bộ Tài chính nhận định là sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động ngành thép hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, lớn hơn dự báo đối với nhiều ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, sẽ không khuyến khích doanh nghiệp giữ lại nguồn thép để sử dụng trong nước, doanh nghiệp vẫn có thể khai thác nguồn điện với chi phí thấp trong sản xuất phôi thép.

Phương án 2, điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5% như đã xin ý kiến. Phương án này tuy góp phần tăng thu ngân sách nhà nước nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành thép, làm tăng hàng tồn kho, dư thừa công năng sản xuất và không phù hợp với chủ trương hiện nay là phải tiếp tục giữ vững, duy trì sản xuất để đảm bảo tăng trưởng và ổn định thu nhập cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đối với mặt hàng thép xây dựng, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án như nêu trên. Việc điều chỉnh theo phương án đề xuất sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường sắt thép trong nước, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững…

Tin cùng chuyên mục