Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Giải mã GDP tăng mạnh
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 28 và 29/12, nhằm đánh giá các nhiệm vụ điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, nhiệm vụ năm 2016.
GDP năm 2015 ước tăng cao, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhờ sự phục hồi của khu vực sản xuất công nghiệp; sản xuất, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng tốt. Vốn FDI giải ngân năm 2015 tăng mạnh khi đạt 14,5 tỷ USD, trong khi nhiều năm gần đây trung bình giải ngân đạt 11,5 tỷ USD/năm. Sức mua trong nước cải thiện, lạm phát thấp. Việc triển khai các quy định, giải pháp mới như: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại những tác động tích cực đối với tăng trưởng GDP năm 2015…
Tuy nền kinh tế 2015 đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nền kinh tế vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: cân đối ngân sách trung ương khó khăn; nợ công tăng; phát triển công nghiệp hỗ trợ, mũi nhọn còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với mục tiêu đề ra. Hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Thủ tướng: mục tiêu GDP 2016 đạt 6,7% có nhẹ nhàng không?
Từ kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu mà Chính phủ đề ra trong năm 2016 là: GDP tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...
Để đạt mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng...
“Để sản phẩm của Hội nghị hôm nay là Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, bám sát thực tế, có tính khả thi cao, đề nghị các bộ, địa phương tập trung thảo luận hai vấn đề lớn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý:
Thứ nhất, tập trung đánh giá sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ trong năm 2015 có những mặt gì tích cực để phát huy.
“Vấn đề trên nói khái quát thôi, còn cần tập trung chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ đó có giải pháp khắc phục và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới…”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thảo luận các giải pháp, chỉ tiêu, nhiệm vụ điều hành kinh tế- xã hội năm 2016 sao cho bám sát thực tế, để ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, trên cơ sở đó tổ chức triển khai có hiệu quả ngay từ những ngày, tháng đầu đầu tiên của năm 2016.
“Ước GDP năm nay tăng 6,68%, vậy chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 là 6,7% có nhẹ nhàng không? Có nên đạt mục tiêu GDP cao hơn 6,7%...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề...
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong năm 2015. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao, nhất là kể từ khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2015. Năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601.519 tỷ đồng, so với năm trước tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký. Trong năm 2015, có 21.506 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động, nay quay lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước.