Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khó khăn nội tại lớn nhất là thủ tục và tình trạng cán bộ né tránh, chậm xử lý công việc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh và rất nhiều thủ tục mới phát sinh là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần một cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để giải tỏa ách tắc cho doanh nghiệp, người dân...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP/ĐH
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP/ĐH

Nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô trước các cú sốc trong và ngoài nước

Sáng 9/5/2023, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo Báo cáo của Chính phủ, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Các thay đổi tích cực bao gồm: tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% (số đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% (số đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo là đạt khoảng 3.201,5 nghìn tỷ đồng); vốn FDI thực hiện cả năm tăng khoảng 13,5% so với năm 2021 (số đã báo cáo là khoảng 6,4 - 11,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2021 (số đã báo cáo là 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%); xuất siêu đạt hơn 12,4 tỷ USD (số đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD)…

Có 1 chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 25,7 - 25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,7 - 25,8%). Nguyên nhân do trong quý IV/2022, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đối mặt với khó khăn, thách thức gia tăng; giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh; thiếu hụt nguồn cung đầu vào, tăng chi phí sản xuất; xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu suy giảm... Trong khi đó, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh giá cả leo thang, nhất là giá xăng dầu, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, tác động không nhỏ đến doanh thu và mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đánh giá năm 2022 kinh tế nước ta phục hồi nhanh và đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước tăng cao so với dự toán cho thấy công tác dự toán ngân sách nhà nước quá thận trọng, không sát với thực tế và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5/2023

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5/2023

”Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV sau khi đạt đỉnh tăng trưởng 13,7% trong quý III do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu”, Ủy ban Kinh tế chỉ ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nói thêm về điểm sáng của quý IV/2022 là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô trước các cú sốc trong và ngoài nước, giữ được ổn định về tỷ giá và lạm phát. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, trong đó, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi. Trong đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô, cả Ban Kinh tế Trung ương đóng góp nhiều nỗ lực, cố gắng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô để đánh giá thêm năm 2022, cả những nỗ lực cố gắng đã đạt được và những vấn đề đang đặt ra mà thời gian tới phải tiếp tục xử lý.

Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn...

Cần một cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để giải tỏa ách tắc cho doanh nghiệp, người dân

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận định diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Trong số nhiều vấn đề Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, có tình trạng một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước. Có ý kiến cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không được coi trọng như trước, cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc phục hồi phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết vấn đề đất đai, thủ tục hành chính hiện nay còn rườm rà, công tác cải cách hành chính chưa hiệu quả, có tình trạng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, lãi suất cao làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh… Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị báo cáo trình Quốc hội cần nêu rõ cơ quan, đơn vị làm tốt, cơ quan, đơn vị làm chưa tốt để đảm bảo minh bạch, công khai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn để tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trước mắt. Ảnh: Mpi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn để tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trước mắt. Ảnh: Mpi

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khó khăn nội tại lớn nhất là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.

Về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết vấn đề khúc mắc đầu tiên là ở dòng tiền, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Môi trường đầu tư còn chưa thuận lợi. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đã đấu tranh mấy năm qua để cải thiện, cải tiến thể chế, giảm các điều kiện kinh doanh... Nhưng hiện nay, thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng ngàn thủ tục. Theo Bộ trưởng, cần có cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để xem xét những thủ tục nào là thừa, lãng phí, gây cản trở, ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Nhấn mạnh việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là tương đối khó khăn dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn để tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trước mắt, đánh giá khách quan tình hình để linh hoạt ứng phó với biến động kinh tế trong nước và thế giới.

Tin cùng chuyên mục