Bộ Y tế phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 12/9, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với mong muốn người dân nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9/2022 đến ngày 31/10/2022 với nhiều hoạt động truyền thông phong phú tại Trung ương, địa phương và các nền tảng mạng xã hội phổ biến để hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.

Tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các bộ, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị tổ chức và người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi các nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch: 2K (khẩu trang - khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị). Trong đó, phạm vi, đối tượng và cách đeo khẩu trang phòng, chống dịch tại nơi công cộng đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6/9/2022.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.

Tính đến ngày 11/9/2022, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc mới Covid-19 giảm sâu so với 2 ngày trước đó, còn 1.643 ca. Tuy nhiên, số ca khỏi bệnh lên cao kỷ lục trong thời gian gần đây với gần 35.000 ca, cao gấp khoảng 21 lần số mắc mới. Đáng chú ý, số ca tử vong trong tuần qua tăng lên khi có đến 3 trường hợp được ghi nhận. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 11/9/2022 là 43.129 ca (chiếm 0,4% so với tổng số ca nhiễm), xếp thứ 24/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, 134/227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về số ca tử vong/1 triệu dân, xếp thứ 6 châu Á và thứ 3 ASEAN…

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân (bình quân cứ 1 triệu người có 115.256 ca nhiễm). Tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi ở nước ta là hơn 10,322 triệu ca. Hiện nay số ca đang điều trị, giám sát là hơn 1,074 triệu trường hợp, trong đó có 113 trường hợp nặng đang thở ô xy (104 ca thở ô xy qua mặt nạ; 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 2 ca thở không xâm lấn và 5 ca thở xâm lấn).

Theo Bộ Y tế, nhiều địa phương ở nước ta đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn, cùng đó số bệnh nhân Covid-19 nặng ở nước ta thời gian gần đây thường xuyên duy trì ở mức trên 100 - 150 trường hợp thở oxy, thở máy.

Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 11/9 cũng cho thấy, Việt Nam đã tiêm hơn 258 triệu liều vắc xin Covid-19 các loại cho người từ 5 tuổi trở lên. Hiện tỷ lệ bao phủ 2 mũi cơ bản cho người trên 18 ở nước ta đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 là là 77,3% và mũi 4 là 78,8%. Đối với trẻ em từ 12 - dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm 2 liều cơ bản cũng khoảng 100%, trong khi mũi 3 hiện mới đạt 55,2%. Đối với trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến nay đã gần 5 tháng triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, tổng số mũi tiêm đạt 16.138.820, trong đó mũi 1 là 9.652.586 trẻ (đạt tỷ lệ 86,4%); mũi 2 là 6.486.234 trẻ (đạt tỷ lệ 58,1%).

Theo TS. Shane Fairlie - chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Chuyên gia của WHO khuyến cáo, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.

Tin cùng chuyên mục