Bộ Y tế vừa có văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn.
Trong 3 tuần qua, số ca mắc mới, ca nặng và tử vong có xu hướng giảm từng ngày. Trong đó từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày. Số mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine.
Trên cơ sở kế hoạch của WHO, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững như sau:
Tình huống thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại (VOC) và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus); mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã).
Các đơn vị lựa chọn các mẫu bệnh phẩm nhiễm SARS-CoV-2 đại diện và ở các nhóm có nguy cơ cao để xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện sự tiến hóa của virus. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể...), người nhập cảnh có yếu tố dịch tễ liên quan.
Ảnh minh họa. |
Tình huống thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Với tình huống này, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân. Tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tổ chức rà soát, tiêm tiêm mũi vaccine tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính) hoặc người đã tiêm đủ mũi vaccine trên 3 tháng.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới của virus tại các cửa khẩu, khu vực biên giới…; tiếp tục giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đặt mục tiêu bảo đảm tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương… Đặc biệt, nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở… Đồng thời, tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc Covid- 19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19.