BOT Cai Lậy: Phương án nào hài hòa lợi ích?

(BĐT) - Nhìn vào dự án BOT Cai Lậy, vấn đề đúng - sai có thể khó để rạch ròi, quy kết. Có thể đúng ở thời điểm trước, nhưng nay đã nhận diện ra những bất cập từ chính cái không sai của giai đoạn đó, dẫn đến thực tại đi ngược lại lợi ích của số đông, thì cần một cách tiếp cận khác. 
Phương án dời Trạm thu phí BOT Cai Lậy về đường tránh nhận được nhiều sự đồng thuận. Ảnh: Lê Phong
Phương án dời Trạm thu phí BOT Cai Lậy về đường tránh nhận được nhiều sự đồng thuận. Ảnh: Lê Phong

Đó là cách tiếp cận dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước - nhà đầu tư - người dân - ngân hàng.

Băn khoăn 3 kịch bản

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã đưa ra 3 kịch bản để giải quyết vấn đề dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (gọi tắt là Dự án BOT Cai Lậy). Kịch bản thứ nhất là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông.

Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí. Đồng thời, theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng.

Kịch bản thứ ba là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên Quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên Quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng thu phí Trạm BOT Cai Lậy để rà soát lại toàn bộ. Tuy Bộ GTVT không nói thiên về kịch bản nào, nhưng quan sát diễn biến trước đó cho thấy Bộ có quan điểm giữ nguyên trạm thu phí như hiện tại.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, kịch bản 2 sẽ vừa giải quyết được vấn đề của BOT Cai Lậy vừa chứng minh được tinh thần kiến tạo, hành động, phục vụ của Chính phủ.

Cụ thể, theo ông Thanh, kịch bản 2 sẽ triển khai theo hướng dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh, Nhà nước trả phần kinh phí nhà đầu tư đã sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 1, trước đó cần có kiểm toán đầy đủ. Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế bớt xe tải trọng lớn đi vào Quốc lộ 1.

Với phương án này, Nhà nước không phải mua cả dự án hơn 1.300 tỷ đồng mà chỉ mua lại phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 khoảng 300 tỷ đồng. Nhà nước cũng không cần lo trả ngay cả 300 tỷ đồng này, bởi vì nhà đầu tư vay ngân hàng và trả dần, Nhà nước cũng có thể trả dần cho ngân hàng cho vay. Đồng thời, việc phân luồng có thể tác động đến một số đối tượng, sẽ phải tuyên truyền để tạo đồng thuận, trên tinh thần tất cả các bên cùng phải chia sẻ giải quyết vấn đề, cả nhà đầu tư - người dân và ngân hàng cho vay. 

Đúng quy định nhưng để lại hệ quả thì vẫn phải sửa

Lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần khẳng định, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư đúng quy định. Có ý kiến cho rằng đã đầu tư đúng quy định thì việc đòi di dời trạm là một điều bất hợp lý. Nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng với Nhà nước, tuân thủ theo đúng các quy định lúc bấy giờ, không có lý do gì để thay đổi hợp đồng ấy.

Phải tôn trọng hợp đồng, tôn trọng quyền lợi của nhà đầu tư – đó là nguyên tắc cần tuân thủ. Nhưng người dân - người đóng phí, dù không phải một bên ký hợp đồng, nhưng là đối tượng chịu tác động lớn nhất của bản hợp đồng, cũng là yếu tố quyết định thành bại của hợp đồng, cũng phải được tôn trọng, được bảo vệ quyền lợi.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tư vấn độc lập về tài chính công đã có nhiều kinh nghiệm về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Dự án BOT Cai Lậy có thể thực hiện đúng ở giai đoạn trước, nhưng để lại hệ quả ở thời điểm hiện tại, đã nhận diện ra bất cập thì không nên duy trì và buộc người dân phải chấp nhận.

Bà Hà cho rằng, phương án dời trạm về đúng đường tránh chính là hành động để dần đưa dự án BOT về đúng nguyên tắc, sẽ tạo tiền lệ tốt cho thực hiện dự án BOT về sau. Cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và ngân hàng cho vay đều đã không lường trước hết rủi ro của dự án. Hợp đồng BOT là hợp đồng kinh tế, không lường hết được rủi ro thì các bên phải chấp nhận gánh chịu, cùng chia sẻ giải quyết vấn đề. Khi chỉ thu trên đường tránh thì phương án tài chính có thể thay đổi, nhưng ngân hàng cũng phải chia sẻ khó khăn và chính ngân hàng cũng phải chấp nhận vì đã không đánh giá hết rủi ro của khoản vay. Hơn nữa, đây là một hợp đồng kinh tế và dự án BOT là một dịch vụ, cho nên không thể theo kịch bản 1 để bắt ép người dân tiếp tục phải trả phí nếu họ không có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Trên nhiều diễn đàn, kịch bản 2 cũng đang nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia và người dân. Theo nhiều ý kiến, không thể nói quy định của giai đoạn trước như vậy nên giai đoạn này không phải xử lý và cứ duy trì tiếp cái không hợp lý. Chính phủ là một, không nên có tư duy nhiệm kỳ. Hiện tại đã nhận diện được bất cập thì không có lý do gì mà không sửa!