Phối cảnh Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương |
Như vậy, sau hơn 4,5 năm, kể từ khi lễ động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng được khởi động, Dự án BOT nhiệt điện Hải Dương đã chính thức tiến tới phần khởi công xây dựng nhà máy.
Đại diện Vụ Quản lý đầu tư BOT Điện (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương) cho hay, dự án sẽ có 4 năm xây dựng kể từ thời điểm này. “Thu xếp tài chính đã xong, Dự án sẽ phải đầu tư theo đúng tiến độ cam kết, nếu không muốn bị phạt theo hợp đồng BOT đã ký”, vị này nói.
Nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2011, tháng 9/2011, Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương đã tiến hành động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất nhiều kỳ vọng của địa phương được đặt ra với dự án có quy mô vốn đầu tư tới hơn 2 tỷ USD này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Dự án đã không triển khai nhanh như tiến độ ban đầu đưa ra. Thậm chí, cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhà đầu tư đến từ Malaysia vướng “nghi án” yếu kém về năng lực tài chính để triển khai Dự án và Công ty BOT Jaks Hải Dương đã nhiều lần bị UBND tỉnh Hải Dương gửi trát đòi các khoản nợ vay ứng trước cho việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Sau nhiều truân chuyên trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư mà không thành, vào tháng 7/2015, Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) đã phát đi thông cáo hoàn thành ký thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co.Ltd - CPECC) để phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, quy mô 1.200 MW.
Theo thỏa thuận, tỷ lệ góp vốn trong dự án này là 50:50. Trong đó, Jaks Power Holding Ltd, công ty con của Tập đoàn Jaks, góp 140,1 triệu cổ phiếu trong Công ty Jaks Parcific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với giá là 140,1 triệu USD. CPECC cũng có phần đóng góp tương tự - 140,1 triệu cổ phiếu, với giá 140,1 triệu USD. Để triển khai Dự án, nhà đầu tư sẽ sử dụng 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại.
Chia sẻ về thỏa thuận này, ông Tan Sri Datuk Husun Bin Haji Ismail, Chủ tịch Tập đoàn Jaks khi đó cho hay, Jaks thật vinh dự khi có đối tác là CPECC tham gia dự án này. “Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng khoảng 49.000 MW các dự án điện. Thêm vào đó, CPECC và công ty mẹ là China Energy Engineering Group cũng sẽ cung cấp bảo lãnh để đảm bảo toàn bộ cam kết vốn chủ sở hữu và tài trợ vốn cho dự án”, ông Tan nói và cũng bày tỏ hy vọng rằng, với kinh nghiệm kỹ thuật và khả năng tài chính của mình, CPECC sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai Dự án.
Không chỉ đón tin vui từ việc khởi công Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, ngành điện cũng đang kỳ vọng đón thêm những dự án BOT mới trong năm 2016.
Trong tháng 1/2016, lễ ký thoả thuận đầu tư Dự án Nhiệt điện Nam Định quy mô 1.200 MW với vốn đầu tư cũng trên 2 tỷ USD theo hình thức BOT giữa Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc), Công ty ACWA Power (Arab Saudi) với Bộ Công thương đã được thực hiện.
Theo kế hoạch, sau lễ ký thoả thuận đầu tư Dự án, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài dự án BOT Nam Định, theo Tổng cục Năng lượng, Dự án BOT Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,208 tỷ USD cũng đã kết thúc quá trình thảo luận để hoàn thiện các tài liệu liên quan đến dự án. “Dự kiến, trong quý I/2016, sẽ hoàn tất các hồ sơ liên quan và triển khai ký Thỏa thuận đầu tư để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án”, đại diện Tổng cục Năng lượng cho hay. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài khác được đổ tiếp vào ngành điện ngay trong năm 2016.
Sự có mặt của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nguồn điện thông qua hàng loạt dự án tỷ USD sắp khởi công hoặc sắp được cấp phép đầu tư đã giúp chia sẻ gánh nặng đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng, mà chủ đạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cho tới tận năm 2015, lần đầu tiên, hệ thống điện Việt Nam có mức dự phòng công suất 20% nhờ nỗ lực đầu tư với nhịp độ lớn trong giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không giữ được nhịp độ đầu tư, mức dự phòng công suất này cũng nhanh chóng không còn, đặc biệt trong điều kiện kinh tế đang phát triển mạnh cùng cơ hội mở ra từ hội nhập mạnh mẽ.
Ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung cũng đang đứng trước thách thức lớn, bởi mục tiêu tăng trưởng đặt ra nếu không bảo đảm đủ năng lượng thì sẽ khó có thể thực hiện được. Với yêu cầu này, việc thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện không chỉ góp phần đảm bảo nhu cầu điện cho nền kinh tế, mà còn cho thấy ngành điện đang bước theo đúng quy luật của thị trường.