Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019. Ảnh: Tường Lâm |
Thay đổi về tư duy, nhận thức
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, NQ35 đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, NQ35 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của DN Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.
Dự thảo Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện NQ35 cũng cho thấy, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Tính đến thời điểm báo cáo, nếu xét theo nhiệm vụ có kỳ hạn, 99,99% tổng số nhiệm vụ và giải pháp giao cho các bộ, ngành đã được hoàn thành. Một số nhiệm vụ có tính chất thường xuyên được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN.
Ở cấp địa phương, 100% các địa phương đã xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ35, đồng thời cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó có 40/63 tỉnh, thành phố cam kết cụ thể về số lượng DN của địa phương đến năm 2020.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Giang cho biết: “Trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có những đột phá trong phát triển DN, số DN được thành lập mới tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh”.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân thì nhận xét: “Việc ban hành và thực hiện NQ35 rất thành công, hiệu quả ở chỗ tư duy, nhận thức của các cấp về hỗ trợ phát triển DN đã có sự thay đổi rõ rệt ở các cấp trên địa bàn Thành phố. Theo đó, hoạt động cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho DN hoạt động; tạo môi trường, kiến tạo để DN tư nhân phát triển… được tích cực thực hiện”.
Nhưng cần đột phá và thực chất hơn
Mặc dù đã có những thành quả nhất định, song theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai trong việc thực hiện Nghị quyết. Một số mục tiêu về phát triển DN trong giai đoạn 2016 - 2020, ví dụ như mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được.
Ở cấp địa phương, 100% các địa phương đã xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ35, đồng thời cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó có 40/63 tỉnh, thành phố cam kết cụ thể về số lượng DN của địa phương đến năm 2020.
Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Đức nhìn nhận, sự hỗ trợ DN, nhất là DNNVV mới chỉ mạnh ở cấp trung ương, tác động tới cộng đồng DN còn thấp. Dẫn kết quả một cuộc khảo sát liên quan, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho hay: “Như Dự thảo Báo cáo, đến nay có 53 địa phương có hoạt động đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, song qua rà soát thì quá trình xử lý các kiến nghị của DN hầu như chưa được đeo bám đến tận cùng. Điển hình việc tiếp nhận và xử lý phản hồi kiến nghị của DN thông qua đường dây nóng chưa được tích cực như đúng kỳ vọng”.
Trong bối cảnh đó, để hoạt động hỗ trợ DN giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu quả, bà Thủy cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, hỗ trợ DN.
Về hướng hỗ trợ DN trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ KH&ĐT đề xuất các nhóm giải pháp như: hỗ trợ DN sau tác động của dịch Covid-19; phát triển các DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong DN…
Cho ý kiến về vấn đề này, đại diện một số DN trong lĩnh vực logistics, gỗ, hàng Việt Nam chất lượng cao đề xuất một số giải pháp như: thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hạn chế rủi ro, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuận để vươn xa…