Bước chuyển về chất trong thu hút đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 và dòng vốn này được kỳ vọng tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2025 với nhiều lực đẩy mới, là động lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao. Đặc biệt, sự thay đổi về chất của dòng vốn quốc tế sẽ góp phần đưa Việt Nam từng bước tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
NVIDIA quyết định chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI. Ảnh: Quý Bắc
NVIDIA quyết định chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI. Ảnh: Quý Bắc

Nhiều “đại bàng” chọn Việt Nam

Trong tháng cuối năm 2024, tỷ phú Jensen Huang - Chủ tịch NVIDIA trở lại Việt Nam và ngày 5/12/2024, “đại bàng” công nghệ NVIDIA đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam, quyết định chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn sáng 14/12/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định, thỏa thuận này là cú hích quan trọng giúp Việt Nam có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI. Ngay sau khi ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, NVIDIA đã triển khai các công việc liên quan như tuyển người, kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

Trong năm 2024, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác cũng đã quyết định đầu tư, mở rộng đầu tư kinh doanh hoặc có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Tháng 4/2024, ông Tim Cook - CEO của Apple tới Việt Nam và tháng 8/2024, theo Reuters, Google cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam.

Tại các cuộc gặp trong khuôn khổ chuyến làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Mỹ tháng 9/2024, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã chia sẻ kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển Internet vệ tinh, lãnh đạo SpaceX - tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh - cho biết, Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam thời gian tới. Lãnh đạo Meta cũng chia sẻ kế hoạch gia tăng sản xuất tại Việt Nam đối với các sản phẩm kính thực tế ảo…

Tháng 7/2024, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc, cho biết, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu. Sau cuộc làm việc, tháng 9/2024, Samsung Display ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Bắc Ninh phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD.

Amkor cũng tăng vốn đầu tư vào Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Bắc Ninh với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD…

Dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2024, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một điểm sáng và Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút ĐTNN lớn nhất thế giới.

Chỉ tính trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút được 31,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp vốn thực hiện vượt 20 tỷ USD. Năm 2023, vốn thực hiện từ các dự án ĐTNN đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD. Năm nay, vốn thực hiện dự báo sẽ lập kỷ lục mới. Đây là con số quan trọng cho thấy sau những kế hoạch, dự định, quan tâm, nhà đầu tư quốc tế đã thực sự rót vốn vào nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà ĐTNN nhận định, kết quả thu hút ĐTNN là điểm sáng khi đặt trong bức tranh chung của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều biến động bất lợi.

Theo kết quả khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2024 công bố ngày 11/12/2024 của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, trong bối cảnh đầy thách thức và bất định của kinh tế thế giới, doanh nghiệp Đức vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam. Năm 2024, đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, Việt Nam tiếp tục là thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Đức. Dù có thách thức, doanh nghiệp Đức vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng lớn tại thị trường Việt Nam.

Năm 2025, theo nhiều dự đoán, ĐTNN vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng hàng đầu trong khu vực châu Á.

Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 tổ chức mới đây, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội dự báo, năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam. Về tăng trưởng GDP, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% nhưng Chính phủ quyết tâm tăng trưởng 8% và mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này là có cơ sở vì kinh tế Việt Nam đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của năm 2016 - 2019. Các yếu tố như tỷ giá ổn định tác động tích cực tới thu hút FDI. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế liên tục tăng hạng cho Việt Nam. Việt Nam khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây. Việt Nam cũng đang tháo gỡ các vấn đề về chi phí logistics để thu hút FDI. Đồng thời, các dự án luật thông qua mới đây sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế.

Ông Cường cho rằng, xu hướng FDI đang thay đổi. Trước đây, nhà đầu tư tìm lao động giá rẻ nhưng giờ chọn đầu tư vào khoa học công nghệ, công nghệ cao. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số.

Công nghệ cao nói chung, lĩnh vực bán dẫn nói riêng được kỳ vọng sẽ có sức hút và nhiều chuyển biến lớn trong tương lai sau “cú hích” của NVIDA và những nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách tăng hấp dẫn nhà đầu tư cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng tại Việt Nam. Năm 2025, Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư dự kiến được thông qua sẽ tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút vốn quốc tế. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đầu tư tại Luật sửa 4 Luật đã được Quốc hội thông qua có quy định mang tính đột phá về thủ tục đầu tư, nhất là với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại khu công nghiệp, khu chế xuất... theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Luật quy định, dự án đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Theo Bộ KH&ĐT, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).

Tuy nhiên, để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới thì mới có thể “đứng trên vai những người khổng lồ”, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tin cùng chuyên mục