Bước khởi đầu xây Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuần cuối tháng 11/2024, Đà Nẵng đón nhận tin vui Bộ Chính trị đồng ý về mặt chủ trương Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực. Nghị quyết số 136/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù đã đặt lên vai lãnh đạo TP. Đà Nẵng trọng trách lớn lao đưa Thành phố vượt khỏi phạm vi quốc gia, vươn tầm hội nhập với khu vực và quốc tế thông qua mô hình Trung tâm tài chính.
Theo quy hoạch, dự kiến Trung tâm tài chính khu vực đặt tại trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), nối từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê
Theo quy hoạch, dự kiến Trung tâm tài chính khu vực đặt tại trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), nối từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê

Hoàn thành thủ tục

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng đã cụ thể hóa một trong các nội dung tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024. Ngay sau khi Nghị quyết số 43 được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, UBND TP. Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai bằng Đề án phát triển Thành phố giai đoạn 2020 - 2025, xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính và được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã quyết định thành lập tổ công tác, mời các chuyên gia của Trung ương (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp…) cùng tham gia tư vấn, làm cơ sở và tạo niềm tin vững chắc để Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng Trung tâm tài chính tầm khu vực tại Đà Nẵng.

Mô hình Trung tâm tài chính mà Đà Nẵng báo cáo có 3 cấu phần. Thứ nhất là trung tâm tài chính offshore (hải ngoại) thu hút các nhà đầu tư quốc tế thành lập định chế tài chính, tổ chức thị trường cung cấp dịch vụ mang tính tích hợp trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực. Cấu phần thứ hai là fintech cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù, kết nối dịch vụ fintech và tài trợ các startup trong lĩnh vực kinh doanh khác. Cuối cùng là các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm cùng dịch vụ tiện ích khác.

Theo cấp thẩm quyền Đà Nẵng, quá trình lập Đề án, Thành phố căn cứ vào nhiều điều kiện thuận lợi như nằm ở vị trí địa lý kết nối; được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để trở thành một trung tâm fintech; có quỹ đất sạch khá lớn (6,7 ha) được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt. Theo quy hoạch, dự kiến Trung tâm tài chính đặt tại trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), nối từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, sẽ nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng đáp ứng quy mô, xứng tầm khu vực, vừa thực hiện mục tiêu phát triển bứt phá của Thành phố về lợi thế cạnh tranh, vừa góp phần khẳng định vị thế đất nước trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Tìm kiếm đối tác

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo Đề án, Trung tâm tài chính hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại, là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết, giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao, các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài.

Việc thí điểm thành lập Trung tâm theo mô hình này có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam, vừa triển khai, vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn, dần hướng đến việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh, kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm tạo bước chuyển mới về chất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam và TP. Đà Nẵng tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, bảo đảm có sự đột phá để phát triển. Vì vậy, song song với việc hoàn thiện thủ tục Đề án, thời gian qua, Đà Nẵng chủ động tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, đại diện các quốc gia có mô hình trung tâm tài chính, đơn vị tư vấn hỗ trợ, cung cấp một số mẫu hình trung tâm tài chính trên thế giới gắn với các đặc điểm mô hình, lĩnh vực trọng tâm, các chính sách và chiến lược phát triển cơ bản… để xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Trong đó, đã làm việc, đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY).

Theo đại diện các tổ chức này, trung tâm tài chính là khái niệm mới, chưa có thực tiễn tại Việt Nam. Khó khăn trước mắt là chưa có mẫu hình, kiểu mẫu tham chiếu trong việc xây dựng mô hình phù hợp. Trung tâm tài chính hình thành và phát triển tùy thuộc rất lớn vào khung thể chế của quốc gia. Đà Nẵng cần phối hợp với các bên liên quan, các đơn vị tư vấn và xin ý kiến Trung ương về mức độ thí điểm phù hợp.

Việc xây dựng mô hình trung tâm tài chính khu vực cũng được Đà Nẵng trao đổi với đại diện Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại TP.HCM nhân chuyến thăm và làm việc của đại diện này tại Đà Nẵng và nhận được sự đồng tình. Theo đó, Vương quốc Anh sẽ tích cực chia sẻ, hỗ trợ Đà Nẵng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn mới, gồm trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số nói chung và trung tâm tài chính quốc tế.

Trưởng nhóm công tác về trung tâm tài chính quốc tế của TheCityUk khuyến nghị, trong quá trình chuẩn bị dự án và bắt tay vào xây dựng, Đà Nẵng cần tập trung các hoạt động tài chính, lĩnh vực tài chính mà Thành phố có thế mạnh, xây dựng cơ chế và khung thể chế tạo điều kiện phù hợp để Trung tâm tài chính khu vực hoạt động hiệu quả. “Trung tâm tài chính khu vực không đơn thuần là cơ sở hạ tầng mà vấn đề quan trọng nhất là cơ chế, khung thể chế phù hợp với các hoạt động. Trên thế giới có rất nhiều thành phố xây dựng những trung tâm tài chính đẹp với những tòa nhà cao tầng, nhưng nếu không có khung thể chế, những hoạt động tài chính hấp dẫn các doanh nghiệp thì sẽ không tạo ra được sự khác biệt trong thị trường tài chính quốc tế”, đại diện TheCityUk khuyến cáo.

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, việc xây dựng cũng như đưa vào hoạt động Trung tâm tài chính khu vực đòi hỏi thời gian dài, ít nhất là 5 năm. Để có thể lựa chọn mô hình phù hợp cũng như vận hành hiệu quả, cần phải nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. “Ưu thế của Đà Nẵng là cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136, được áp dụng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, tổ chức kinh tế thành lập trong Trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế. Đà Nẵng cũng được áp dụng cơ chế, chính sách phát triển thị trường vốn, huy động vốn, chính sách ngoại hối, chính sách phát triển fintech...”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục