Với việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ được tăng thêm đáng kể. Ảnh: Lê Tiên |
Và đây cũng là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm.
Sáng 10/11, Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã chính thức được thông qua với 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng), trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (gồm cả 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
Dự phòng Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.
Trong giai đoạn này, Quốc hội tán thành bố trí 72.817 tỷ đồng thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia; 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ các nguyên tắc phân bổ vốn, thứ tự ưu tiên bố trí vốn.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn để bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước, đối ứng các chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp, sau khi bố trí đủ vốn cho các thứ tự ưu tiên này, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.
Theo Bộ KH&ĐT, với việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ được tăng thêm đáng kể trong tất cả các ngành, lĩnh vực, như: hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư khoảng 1.300 - 1.800 km đường cao tốc, hệ thống quốc lộ tiếp tục được đầu tư đưa vào sử dụng với tổng chiều dài khoảng 3.600 km; hoàn thành 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và TP.HCM đạt tiêu chuẩn hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần hạn chế người dân ra nước ngoài điều trị…