Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Đề xuất cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành và vượt mục tiêu Quốc hội giao. Phát huy các kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất 3 chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Huy động gần 3 triệu tỷ đồng

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, sau 5 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu chính đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra; có những đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành và về đích trước một năm mục tiêu Quốc hội giao. Đến hết tháng 8/2020 có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã huy động được một nguồn lực rất lớn (khoảng 2.965.199 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực huy động đã được sử dụng để đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện cho vay hỗ trợ sản xuất, kiên cố hóa kênh mương; triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội;...

Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Chính phủ thấy rằng vẫn cần thiết phải xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia như là một công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.

Đồng thuận với quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) cho biết, việc tiếp tục đầu tư cho 2 Chương trình trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện giữa chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định, tính toán lồng ghép ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư để tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng.

Đề xuất 3 chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được phân bổ trên nguyên tắc hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đảm bảo có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 3 chương trình trên một địa bàn.

Để thực hiện, Chính phủ đề xuất, trong phân bổ nguồn vốn NSTW hỗ trợ thực hiện các chương trình, được trích lập 10% dự phòng vốn nguồn NSTW trên tổng nguồn vốn được Quốc hội phê duyệt theo từng chương trình để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho những đối tượng mới; các đề án, nhiệm vụ đặc thù, cấp bách phát sinh trong quá trình thực hiện; bổ sung, khuyến khích cho những địa phương đạt kết quả cao trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, quản lý và giám sát ở cấp cơ cở, đặc biệt là cấp cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong đó, đối với các dự án đầu tư nhóm C, quy mô nhỏ, có sự tham gia của người dân được áp dụng lập “hồ sơ xây dựng công trình” theo mô hình đơn giản, phù hợp với khả năng tự thực hiện của nhân dân, cộng đồng hưởng lợi; phân cấp tới cấp xã (Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện thẩm định và phê duyệt “hồ sơ xây dựng công trình”; lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng. Giao Chính phủ quy định cụ thể cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia.

Cho phép được sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước hằng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia không sử dụng hết theo niên độ ngân sách nhà nước; nguồn thu hồi theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho những địa phương đạt kết quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc quốc gia. Giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế sử dụng nguồn vốn này.

Theo phương án đề xuất KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến phân bổ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 100.000 tỷ đồng. UBTCNS cơ bản nhất trí, đồng thời đề nghị Chính phủ tính toán, rà soát để dự kiến vốn đầu tư dành cho từng chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng cân đối của NSNN; Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia, tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Với các đề xuất nêu trên, khi thẩm tra, UBTCNS cho rằng, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức trích, thời điểm sử dụng dự phòng chung khi quyết định Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với đề xuất cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, UBTCNS cơ bản tán thành với kiến nghị của Chính phủ. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch, tạo công bằng đối với các dự án khác, đề nghị Chính phủ xác định rõ đối tượng, quy mô, chính sách cơ chế đặc thù cụ thể để thể hiện thống nhất.

Về việc sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước hằng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia không sử dụng hết theo niên độ ngân sách nhà nước; nguồn thu hồi theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, UBTCNS bày tỏ quan điểm, đề nghị thực hiện hủy dự toán hoặc thu hồi và cấp lại theo đúng quy định của Luật NSNN và pháp luật liên quan.