Các địa phương có thời gian lựa chọn nhà thầu dài nhất: Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tổng hợp dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhiều tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mặt trong Top các địa phương có thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu (theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ) dài nhất cả nước. Điều này cho thấy năng lực của đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.
Các địa phương có thời gian lựa chọn nhà thầu dài nhất: Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu?

Dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phân tích về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu tính từ ngày đăng tải thông báo mời thầu đến ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (số liệu do người dùng tự cung cấp trên Hệ thống), thống kê các gói thầu có phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn một túi hồ sơ. Các số liệu thống kê được tổng hợp từ ngày 16/9/2022 cho thấy, trong Top 10 địa phương có thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu dài nhất, có tới 7 tỉnh/thành tại khu vực ĐBSCL. Đó là, An Giang (40,37 ngày); Bến Tre (37,17 ngày); TP. Cần Thơ (35,85 ngày); Kiên Giang (35,4 ngày); Trà Vinh ( 33,91 ngày); Tiền Giang (32,72 ngày); Cà Mau (32,56 ngày).

Xét theo lĩnh vực mời thầu, đối với mua sắm hàng hóa, An Giang có thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu dài nhất với 48,54 ngày; Tiền Giang là 42,84 ngày; Long An là 42,44 ngày; Bến Tre là 41,32 ngày. Đối với lĩnh vực xây lắp, các chủ đầu tư tại An Giang tiếp tục đứng đầu với 37,74 ngày; TP. Cần Thơ là 37,57 ngày; Kiên Giang là 36,87 ngày.

Riêng lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn, 8/10 địa phương thuộc khu vực ĐBSCL đứng trong Top 10. Cụ thể, Bến Tre cần tới 32,14 ngày; An Giang 31,27 ngày, Vĩnh Long là 30,92 ngày... Đối với các gói thầu hỗn hợp, Cà Mau đứng đầu danh sách với 47 ngày, Kiên Giang là 36 ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại An Giang, Gói thầu số 14 Thi công xây lắp các điểm trường tiểu học thuộc xã Thới Sơn + thị trấn Nhà Bàng thuộc Dự án Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021 - 2025 huyện Tịnh Biên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Tịnh Biên mời thầu có thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn 3 tháng. Cụ thể, Gói thầu được đăng tải thông báo mời thầu từ ngày 29/12/2023, mở thầu ngày 10/1/2024, nhưng đến ngày 4/4/2024 mới có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Công ty CP Công nghiệp xây dựng Toàn Thành được công bố trúng thầu với giá 12,138 tỷ đồng (giá gói thầu 12,818 tỷ đồng).

Cũng tại An Giang, Gói thầu số 17 Thi công xây lắp các điểm trường tiểu học thuộc xã: Bình Thủy, Bình Mỹ, Đào Hữu Cảnh, thị trấn Cái Dầu (Trường Tiểu học A thị trấn Cái Dầu điểm chính (Bình Hòa) thuộc Dự án Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021 - 2025 huyện Châu Phú được mời thầu từ ngày 22/12/2023, đến ngày 27/3/2024 mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Gói thầu có giá 19,859 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thương mại An Thịnh trúng thầu với giá 19,622 tỷ đồng.

Tại Kiên Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Quao mời thầu Gói thầu số 1 Xây dựng mới đường giao thông và các cầu trên tuyến thuộc Dự án Đường Năm Mai - Cầu Trắng Quốc lộ 61 (Tỉnh lộ 12 cũ) từ ngày 9/5/2024. Ngày 16/8/2024, Chủ đầu tư mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty CP CIC Tinh Khôi 621 - Công ty CP Xây dựng Phúc Hậu trúng thầu với giá 17,125 tỷ đồng…

Trong báo cáo về hoạt động đấu thầu năm 2024, một số địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng nêu trên. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, do nhiều nguyên nhân, còn một số ít trường hợp đăng tải thông tin đấu thầu (kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu) chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, Sở Tài chính (được ủy quyền) đã kịp thời nhắc nhở chủ đầu tư, bên mời thầu chấn chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chỉ rõ, một số chủ đầu tư, bên mời thầu chưa tuân thủ thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định; chưa đăng tải hoặc đăng tải thông tin đấu thầu không kịp thời theo thời gian quy định; lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định HSMT và kết quả đấu thầu chưa tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến kiến nghị trong đấu thầu, làm kéo dài thời gian thực hiện; HSMT đưa ra tiêu chí cao làm hạn chế nhà thầu tham dự. Để xảy ra tình trạng này là do năng lực một số cán bộ thực hiện công tác đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhận xét, cán bộ phụ trách của các đơn vị thực hiện công tác đấu thầu còn kiêm nhiệm. Đối với lựa chọn nhà thầu qua mạng, một số đơn vị tư vấn chưa chủ động xử lý các tình huống phát sinh một cách kịp thời…

Để khắc phục, các địa phương cho rằng, cần tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ đấu thầu trên địa bàn, đặc biệt là nghiệp vụ đấu thầu qua mạng để nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu. Đồng thời, HSMT phải chặt chẽ, đúng quy định, tránh tình trạng làm rõ, kiến nghị dẫn tới kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu…

Tin cùng chuyên mục