Nhiều rủi ro bóp nghẹt năng lực nhà thầu xây lắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng xây lắp biến thiên ngoài dự kiến như thiếu mặt bằng, vật liệu xây dựng khan hiếm, giá tăng cao dẫn tới tiến độ thi công chậm đẩy các nhà thầu vào thế bị động, khó lập kế hoạch thi công; chi phí tăng cao khó kiểm soát. Đáng ngại hơn, nhà thầu có thể đối mặt với nguy cơ không hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ, ảnh hưởng tới uy tín nhà thầu.
Vướng di dời hạ tầng điện cao thế, nhà thầu thi công Vành đai 3 - TP.HCM đứng trước nhiều rủi ro khi thực hiện hợp đồng xây lắp. Ảnh: Như Nguyệt
Vướng di dời hạ tầng điện cao thế, nhà thầu thi công Vành đai 3 - TP.HCM đứng trước nhiều rủi ro khi thực hiện hợp đồng xây lắp. Ảnh: Như Nguyệt

Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu thi công đường bộ cao tốc, vành đai ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ bị cảnh báo về việc chậm tiến độ so với hợp đồng và đứng trước nguy cơ bị chủ đầu tư áp dụng chế tài xử lý. Theo một số nhà thầu, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là nhà thầu gặp bất lợi khi nhiều điều kiện thực hiện hợp đồng trong thực tiễn không như trù tính ở thời điểm giao kết.

Đại diện Công ty CP Tân Nam, nhà thầu tham gia thi công Vành đai 3 - TP.HCM cho biết, quá trình thực hiện hợp đồng xây lắp (trị giá gần 530 tỷ đồng, ký kết vào tháng 12/2023, thời gian thực hiện 990 ngày) gặp nhiều biến số bất lợi, khó lường bởi các yếu tố khách quan như bàn giao mặt bằng chậm và khan hiếm vật liệu xây dựng. Dù tổng thời gian thực hiện hợp đồng khoảng 3 năm, nhưng sau gần 1 năm kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, Nhà thầu vẫn chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công đồng bộ. Chưa kể tình trạng bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” làm thay đổi kế hoạch thi công tổng thể đã trù tính khi dự thầu.

Cùng chung nỗi lo này, nhiều nhà thầu thi công các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua các địa phương TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cho rằng, rủi ro chính các nhà thầu đang đối mặt khi thực hiện hợp đồng xây lắp giao thông hiện nay là vướng mắc về mặt bằng thi công. Chậm bàn giao mặt bằng là tình trạng phổ biến khiến tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà thầu vẫn phải duy trì nhân lực, máy móc làm phát sinh thêm chi phí. Không được bàn giao mặt bằng đầy đủ, đồng bộ cũng đẩy các nhà thầu vào thế bị động, khó lập kế hoạch. Công tác thi công không thể theo logic kỹ thuật tối ưu mà buộc phải “xé nhỏ”, gây tốn kém nhân lực, thiết bị. Một số hạng mục, vị trí thi công bị "kẹt" giữa khu vực vướng hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) chưa được di dời dẫn đến thi công manh mún, kém hiệu quả.

“Nút thắt mặt bằng gây rủi ro dây chuyền cho nhà thầu. Việc trì hoãn tiến độ gây thiệt hại trực tiếp bởi nhà thầu lên kế hoạch về nhân lực, máy móc và tài chính theo tiến độ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, khi mặt bằng không được giao đúng hạn hoặc giao nhỏ giọt, toàn bộ dây chuyền thi công bị đình trệ. Trong thời gian chờ đợi, máy móc nằm không, nhân công bị gián đoạn, nhưng nhà thầu vẫn phải gánh chi phí vận hành như lương công nhân, chi phí thuê thiết bị, lãi vay ngân hàng. Chưa kể việc không thể triển khai thi công theo đúng lộ trình dẫn tới rủi ro trễ tiến độ và bị phạt hợp đồng”, đại diện Công ty CP Tân Nam nói.

Không chỉ thời gian thi công kéo dài do vướng mặt bằng, các nhà thầu còn gặp tình trạng phổ biến là khan hiếm vật liệu khiến giá cả tăng cao. Hiện tại khu vực phía Nam, giá bán vật liệu đắp nền đường như đất, cát và đá xây dựng tăng cao so với giá trong dự toán và giá do các địa phương công bố. Biến động giá vật liệu ảnh hưởng lớn đến chi phí thực hiện hợp đồng xây lắp. Nhà thầu cho biết, hợp đồng xây lắp theo loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định được ký 2 - 3 năm trước phải “gánh” nặng phần chênh lệch giá. Với các hợp đồng loại này, việc không có cơ chế điều chỉnh giá khiến nhà thầu thua lỗ, bị bào mòn năng lực.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An cho rằng, 3 năm trở lại đây, giá vật liệu chính xây lắp giao thông biến động tăng mạnh. Các gói thầu do Nhà thầu đảm nhiệm thi công tại Dự án Quốc lộ 50, Vành đai 3 - TP.HCM… chịu rủi ro vì tình trạng khan hiếm và tăng giá cát, đá xây dựng.

Nhà thầu không chỉ đối mặt với nguy cơ bị lỗ khi thực hiện các hợp đồng xây lắp mà khả năng tài chính, tín dụng cũng bị ảnh hưởng. Thực tế, nhà thầu xây lắp là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất thanh khoản, bỏ ngang hợp đồng, chấp nhận bị thu hồi bảo lãnh, bị phạt hợp đồng, ảnh hưởng uy tín và thậm chí rút khỏi thị trường.

Đại diện Công ty CP Tân Nam cho biết thêm, nguồn vật liệu trên địa bàn phía Nam rất căng thẳng vì trong cùng thời điểm nhiều dự án giao thông trọng điểm đồng loạt thi công. Ngoài kênh mua từ nguồn phân khai, các nhà thầu phải mua từ nguồn thương mại với giá rất cao. Đơn cử, giá mỗi m3 đất rời dao động từ 100.000 - 135.000 đồng, cá biệt có điểm mỏ cự ly vận chuyển tới hơn 40 km, giá đội lên mức hơn 400.000 đồng/m3. Do đó, không chỉ chịu rủi ro không thể hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng, nhà thầu còn phải chấp nhận lỗ.

Theo một số nhà thầu, những hợp đồng xây lắp theo đơn giá điều chỉnh cũng chịu tác động từ rủi ro giá vật liệu tăng. Bởi biên độ và đơn giá điều chỉnh do các địa phương công bố hiện nay không theo kịp nhịp biến động và không phản ánh đúng giá vật liệu trên thị trường nên việc điều chỉnh không đáng kể, nhà thầu phải chấp nhận lỗ để duy trì công việc cho người lao động.

Để hạn chế rủi ro, các nhà thầu cho rằng, cần chế tài rõ ràng và minh bạch hóa trách nhiệm. Cần lưu tâm và nhất thiết phải quy định chi tiết hơn trong hợp đồng các điều khoản bắt buộc về thời hạn bàn giao mặt bằng, cũng như cơ chế xử lý, bồi thường nếu vi phạm. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng cần chủ động hơn trong khâu phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn tất giải phóng mặt bằng trước khi triển khai gói thầu xây lắp.

“Nếu không được chia sẻ rủi ro, nhà thầu sẽ “ôm lỗ” và không thể phát triển bền vững. Rủi ro mang tính hệ thống có thể bóp nghẹt năng lực thi công của nhà thầu. Cần có chế tài cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng để công bằng trách nhiệm giữa các bên”, một nhà thầu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục