Theo HoREA, việc thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ tạo điểm nóng, góp phần giúp thị trường bất động sản TPHCM phát triển |
Dự báo lạc quan
Trong báo cáo triển vọng thị trường bất động sản TPHCM 2020-2030, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) chỉ ra có ít nhất các điểm nóng mới sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại TPHCM trong 10 năm tới.
Cụ thể, điểm nóng mới thứ nhất là TP.Thủ Đức, khi gộp lại 3 quận (Quận 2, Quận 9, Thủ Đức), TP.Thủ Đức là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất TPHCM. Trong vòng 5-10 năm tới, khu vực này sẽ có nhiều loại hình bất động sản hơn, cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, HoREA nhận định, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TPHCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
Theo đó, điểm nóng tiếp theo là 4 huyện nằm trong đề án chuyển đổi thành quận trong 10 năm tới, gồm: Huyện Củ Chi có 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32% đất tự nhiên của huyện) nhưng dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% số hộ làm nông nghiệp. Huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% và dự báo năm 2025 số hộ nông nghiệp còn 0,6%, với 1.200 người làm nông nghiệp. Dự kiến, năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.
Huyện Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích tự nhiên huyện. Dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,4% số hộ làm nông nghiệp.
Tại huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chỉ chiếm 3%. Dự báo năm 2025 chỉ còn hơn 100 hộ làm nông nghiệp, tức 0,1% số hộ trên địa bàn.
Bốn huyện vùng ven này được HoREA dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận trong 10 năm tới và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở.
Ngoài ra, huyện Cần Giờ khi trở thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới sẽ là điểm nóng mà các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản quan tâm.
Nhiều cơ chế, chính sách mang tính chất liên thông
Điểm nóng mới thứ ba mà theo HoREA là thông tin Chính Phủ cho phép TPHCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020. Diện tích này nằm rải rác các quận, huyện vùng ven còn quỹ đất nông nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mang tính liên thông, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - nhận định, Nghị định 148/2020/NĐ-CP cùng với Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 (kết hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Bảo vệ môi trường), đã quy định các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cho hàng ngàn dự án đầu tư nhà ở.
“Trong năm 2021, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp… sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo”- ông Châu nói.
Ông Châu kỳ vọng, với rất nhiều lực đẩy như vậy, thị trường BĐS năm 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội để cho phân khúc nhà ở giá thấp phát triển.