Các dự án đầu tư công trọng điểm tại Bình Dương: Hàng nghìn tỷ đồng chưa thể giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương, hiện hàng nghìn tỷ đồng bố trí cho 39 dự án trọng điểm trong kế hoạch năm 2022 vì nhiều lý do chưa thể giải ngân. Một nguồn lực lớn được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch chưa được sử dụng hiệu quả khiến Chính quyền Bình Dương sốt ruột, còn người dân thì mòn mỏi ngóng các dự án đi vào phục vụ cuộc sống.
Năm 2022, tỉnh Bình Dương bố trí hơn 4.800 tỷ đồng để thực hiện 39 dự án trọng điểm, trong đó hơn một nửa dành cho các dự án giao thông. Ảnh: Song Lê
Năm 2022, tỉnh Bình Dương bố trí hơn 4.800 tỷ đồng để thực hiện 39 dự án trọng điểm, trong đó hơn một nửa dành cho các dự án giao thông. Ảnh: Song Lê

Trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, tỉnh Bình Dương bố trí hơn 4.800 tỷ đồng để thực hiện 39 dự án. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài sang khoảng hơn 2.700 tỷ đồng và vốn kế hoạch năm 2022 hơn 2.100 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào những lĩnh vực như: bảo vệ môi trường (3 dự án, tổng vốn hơn 487 tỷ đồng), cấp thoát nước (2 dự án, tổng vốn 191 tỷ đồng), giao thông (24 dự án, tổng vốn gần 2.700 tỷ đồng), y tế (5 dự án, tổng vốn 1.187 tỷ đồng), lĩnh vực sự nghiệp văn hóa thông tin (1 dự án, vốn hơn 123 tỷ đồng)...

Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, tính tới hết tháng 7/2022, giá trị giải ngân của các dự án trọng điểm tỉnh Bình Dương mới đạt vỏn vẹn hơn 830 tỷ đồng, tương ứng 17,5% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Đây là tỷ lệ rất thấp so với giải ngân chung của Bình Dương (tỷ lệ giải ngân chung của Tỉnh đạt 32,2%) và các địa phương trong vùng.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT Bình Dương, xét về khối lượng, các dự án trọng điểm đã thực hiện hơn 1.097 tỷ đồng, đạt 62,1% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đến hết tháng 7/2022 và đạt 22,2% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Nhóm dự án quản lý nhà nước có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 47,1% kế hoạch. Trong đó, Dự án Trung tâm Hành chính huyện Bàu Bàng đạt 62% và Dự án Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên đạt 36,6%. Kế đến là nhóm dự án bảo vệ môi trường có tỷ lệ giải ngân đạt 39,6% kế hoạch với 2 dự án có tiến độ khá là Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, giai đoạn 2 (34,9%); Nạo vét, gia cố tuyến suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai (55,9%).

Nhóm dự án y tế có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, chỉ 3,5% trong tổng số hơn 1.187 tỷ đồng vốn kế hoạch. Đơn cử như các dự án: Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (4,2%); Hạ tầng kỹ thuật tổng thể thuộc Khu quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường và Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Tỉnh (5,45%); Thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (0%).

Đáng lưu tâm là nhóm dự án giao thông. Dù được chú trọng đầu tư lớn nhằm tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, nhưng phần lớn khoản vốn đầu tư công vẫn nằm trong “kho”, chưa thể giải ngân vì các vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và hồ sơ thủ tục. Tới hết tháng 7/2022, tỷ lệ giải ngân của các dự án giao thông Bình Dương mới đạt 17,7% kế hoạch. Có 11 trên tổng số 24 dự án giao thông có tỷ lệ giải ngân bằng 0, có 8 dự án tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

Theo ghi nhận, phần lớn các dự án trọng điểm của Bình Dương đang gặp những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư và GPMB.

Trao đổi với một số chủ đầu tư dự án lĩnh vực giao thông, y tế, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận ý kiến đánh giá tình hình rất khó khăn dù đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Lâm Minh Kỳ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương cho biết, Ban đang rốt ráo phối hợp với các sở, ngành thúc đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án. Khâu thủ tục chuẩn bị đầu tư cần phải thực hiện chặt chẽ theo quy định nên mất nhiều thời gian. Đối với 3 dự án đang thực hiện, Ban QLDA đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022.

Ông Vương Thế Hùng, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông Bình Dương cho biết, Ban đang tập trung nguồn lực GPMB. Ban đề nghị các trung tâm phát triển quỹ đất và sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, gỡ vướng mắc để sớm có mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, dự án nào có đủ mặt bằng thì chủ đầu tư và nhà thầu triển khai rất thuận lợi, đúng tiến độ. Từ đầu năm, Tỉnh đã mở chiến dịch GPMB bởi xác định không giải phóng được mặt bằng thì việc triển khai các dự án sẽ thất bại. Theo đó, Bình Dương đã thành lập 5 tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo GPMB các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Mới đây, tại Phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh vẫn còn chậm và xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Hiện tại, số vốn kế hoạch chưa thể giải ngân của các dự án trọng điểm còn hơn 4.031 tỷ đồng, trong khi thời gian còn lại rất ngắn nên áp lực giải ngân rất nặng nề.