Các Dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Chưa thể chỉ định nhà đầu tư

(BĐT) - Để có vốn triển khai các dự án đường sắt đô thị, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất được thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BT, đồng thời đề nghị được chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đề nghị này của UBND TP. Hà Nội chưa có đủ cơ sở để xem xét.
UBND TP. Hà Nội được đề nghị nghiên cứu thêm hình thức, cơ chế nhà đầu tư tham gia quản lý, khai thác các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Lê Tiên
UBND TP. Hà Nội được đề nghị nghiên cứu thêm hình thức, cơ chế nhà đầu tư tham gia quản lý, khai thác các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Lê Tiên

Tìm vốn cho dự án

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Liên quan đến đề xuất của UBND TP. Hà Nội, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) và tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội - Yên Sở) đang nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Nhật Bản. Để có vốn cho 2 dự án này, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất với nhà tài trợ về khả năng tài trợ, thứ tự ưu tiên và kế hoạch vốn cho các dự án.

Về nguồn vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, theo Bộ KH&ĐT, do là nước có thu nhập trung bình, nên mức độ ưu đãi các khoản vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam sẽ ngày càng giảm. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, mà phải chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Do đó, không thể xây dựng phương án huy động vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị từ nay đến năm 2030 và sau năm 2030 chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ODA. Vì vậy, phương án huy động vốn đầu tư kết hợp giữa ODA, PPP và ngân sách nhà nước theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội là phương án có tính khả thi.

Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đề nghị cho phép quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án đường sắt đô thị còn lại theo hình thức hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện tại chưa có cơ sở để xem xét đề nghị này. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội, hiện có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Điều này thể hiện tính hấp dẫn, thu hút đầu tư của các dự án. Tuy nhiên, khi đề xuất xin chỉ định nhà đầu tư, UBND TP. Hà Nội không giải trình lý do áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu (chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện; chỉ có 1 nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn…) và Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Nghiên cứu thêm hình thức, cơ chế đầu tư

Về đề xuất của UBND TP. Hà Nội thực hiện các dự án đường sắt đô thị theo hình thức hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT cho biết, đối với cơ chế thực hiện dự án đầu tư bằng hình thức BT, nhà đầu tư chỉ tiến hành xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà không thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình. Trong khi đó, đường sắt đô thị là dự án có khả năng hoàn vốn đầu tư qua thu phí từ người sử dụng dịch vụ. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu thêm hình thức, cơ chế nhà đầu tư tham gia quản lý, khai thác công trình, dự án để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án đường sắt đô thị.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, tất cả các dự án đường sắt đô thị trong báo cáo của UBND TP. Hà Nội có khái toán tổng mức đầu tư rất lớn, tuyến có khái toán tổng mức đầu tư thấp nhất là 312 triệu USD. Theo tiêu chí phân loại dự án quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công thì các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đều là các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án nhóm A. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định.

Đối với đề xuất bổ sung 6.000 ha đất vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn thực hiện các dự án đường sắt đô thị theo hình thức PPP, Bộ KH&ĐT nêu ý kiến, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức thẩm định quy hoạch sử dụng đất của các địa phương, trong đó có Hà Nội. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về đề xuất ưu tiên lựa chọn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3 và số 5 theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017 - 2020 của UBND TP. Hà Nội, Bộ KH&ĐT nhận định, đề xuất này chưa phù hợp với Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì thế, trường hợp TP. Hà Nội thấy cần thiết và có thể đầu tư các tuyến trên sớm hơn so với Quy hoạch thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lý do điều chỉnh Quy hoạch để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.