Tỷ lệ giải ngân của các dự án giao thông tỉnh Kiên Giang sau 4 tháng đầu năm chỉ đạt vỏn vẹn 3,66% so với kế hoạch. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Kiên Giang là hơn 5.124 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 3.930 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương hơn 1.193 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn trên đã được giao chi tiết cho các sở, ngành và địa phương. Trong đó, Sở Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn hơn 1.022 tỷ đồng cho 2 dự án mới và 7 dự án chuyển tiếp, chiếm 19,95% kế hoạch vốn của Tỉnh năm 2022.
Mặc dù được bố trí nguồn vốn lớn, nhưng nhiều dự án giao thông chưa thể giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các dự án khởi công mới chưa hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp. Tính đến hết tháng 4/2022, Sở Giao thông vận tải Kiên Giang mới giải ngân hơn 37,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,66% kế hoạch năm, kéo giảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang (4 tháng đầu năm 2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang là 573 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,18% kế hoạch).
Trong nhóm dự án chuyển tiếp do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Dự án Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất được bố trí 200 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được khoảng 8 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch năm. Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng nhánh nối với đường trục Nam - Bắc (TP. Phú Quốc) được bố trí 150 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 5,2 tỷ đồng, đạt 3,53% kế hoạch. Tương tự, Dự án Cảng hành khách Rạch Giá được bố trí 100 tỷ đồng, tới đầu tháng 5/2022 mới giải ngân được 5,7 tỷ đồng, đạt 5,78% kế hoạch. Dự án Đường ven sông Cái Lớn (đi qua địa bàn các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao) được bố trí 90 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 8,8 tỷ đồng, đạt 9,84% kế hoạch năm 2022.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án chưa được xử lý dứt điểm theo kế hoạch đã cam kết. Trước đó, ngày 16/2/2022, Sở Giao thông vận tải Kiên Giang có Kế hoạch số 112/KH-SGTVT về triển khai các dự án ngành giao thông vận tải năm 2022 và có cam kết xử lý hiệu quả vấn đề giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn là nút thắt lớn tại các dự án: đường ven sông Cái Lớn; nâng cấp đường Thứ Hai đến Công Sự (huyện An Biên và U Minh); đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; nâng cấp đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng nhánh nối với đường trục Nam - Bắc; cải tạo, nâng cấp đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng; cầu Mỹ Thái; đường Ba Tháng Hai nối dài; đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương… Hiện các dự án này đang bị chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, nhóm dự án mới chưa hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp gồm: Dự án Đường Ba Tháng Hai nối dài được bố trí 219,9 tỷ đồng, mới giải ngân 210 triệu đồng, tương ứng 0,1% kế hoạch; Dự án Đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương được bố trí 200 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào.
Một nguyên nhân khác được nhận diện là chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Nhiều nhà thầu thi công cầm chừng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao, có tâm lý nghe ngóng giá thị trường giảm và chờ chính sách bù giá của Nhà nước.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, sau tháng 6/2022, giải ngân các dự án giao thông mới có hiệu quả vì công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Khi giải quyết được các vấn đề này, khoảng quý III mới có thể tăng tốc giải ngân các dự án. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Chỉ thị số 04/CT-UBND về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Từ đầu năm, các chủ đầu tư đã ký cam kết có lộ trình, có kế hoạch rất chi tiết và phải nghiêm túc thực hiện.
Để có thêm thông tin, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Kiên Giang. Tuy nhiên, vị lãnh đạo giữ im lặng trước đề nghị cung cấp thông tin về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án giao thông.