Đến chiều 26/9, tại các dự án có khối lượng thi công ngoài trời tại Đà Nẵng, nhân lực đã cơ bản rút hết, chỉ để lại các thiết bị nặng để phòng chống bão số 4. Ảnh: Hà Minh |
Tại công trường đường vành đai phía Tây 1 và 2 thành phố Đà Nẵng, đại diện Công ty CP Trường Sơn 532 cho biết, Nhà thầu chỉ còn bố trí vài điểm thi công tuyến rãnh thoát nước, khơi thông các cống dẫn nước và che chắn thiết bị đang thi công. Đến cuối giờ chiều 26/9, tất cả đã rút về nơi trú ẩn an toàn. Nhà thầu thi công phần nền đường với máy lu, máy xúc, máy đào nên không lo ngại gió bão. Tuy nhiên, các lán trại bố trí nhân lực trực bão phải giằng néo, chèn chống an toàn và chắc chắn.
Trong khi đó, tại hạng mục cầu thuộc công trình đường nối từ Đường tỉnh 609C đến Quốc lộ 14B trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng cho hay, theo kế hoạch, các trụ và phần dưới cầu vượt sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ hoàn thành trước mùa mưa. Tuy nhiên, hiện hạng mục này vẫn chưa hoàn thành, 8 cẩu trục hạng nặng đang thi công tại đây. “Chúng tôi đang cho làm nốt các phần việc để đến cuối ngày 26/9, thiết bị thi công trên không sẽ hạ độ cao, đưa lên vị trí an toàn. Bố trí mỗi lán trại 2 - 3 công nhân ở lại trực bảo vệ. Số nhân công ở lại phải nhanh nhẹn, biết bơi, được trang bị áo phao, lương khô, đèn pin, còi báo hiệu...”, ông Thắng cho biết thêm.
Khi bão lũ, rủi ro lớn nhất là thi công tại các công trình thủy. Năm 2021, tại Dự án đập dâng sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), 38 công nhân đang thi công tại đây trong khi ở qua đêm bất ngờ bị nước lũ tràn về cô lập giữa dòng nước chảy xiết. Số công nhân này sau đó được cano chuyên dụng của Quân đội ứng cứu đưa vào bờ. “Rút kinh nghiệm, năm nay, số lao động và thiết bị thi công tại công trình này đã được rút hoàn toàn từ chiều ngày 24/9 để bảo đảm an toàn”, ông Đỗ Vũ Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Trong chuyến kiểm tra tình hình thực hiện phòng chống bão lũ tại các dự án sáng 26/9, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đánh giá, tại các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.601; đường vành đai phía Tây 1; đường vành đai phía Tây 2; đường ĐH2; cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương..., các nhà thầu đã tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ đạo và có kế hoạch chủ động phòng chống thiên tai.
Đối với việc cảnh báo và bảo đảm giao thông tại các điểm sạt lở đất, đá trên các tuyến đường giao thông thuộc phạm vi quản lý do mưa, bão gây ra, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, đã chỉ đạo Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Linh Sương thường xuyên theo dõi, kịp thời xử lý thoát nước tại các hầm phía Tây cầu Sông Hàn, hầm đi bộ cầu Rồng, hầm tại nút giao Trần Thị Lý, bảo đảm lưu thông.
Đặc biệt, ở các công trình trên biển, ven biển, ven sông, suối, các công trình thi công trên miền núi, lãnh đạo các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động tổ chức biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, phương tiện, trang thiết bị, đồng thời thu dọn các vật cản trên sông, suối để bảo đảm thoát lũ. Tất cả các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9/2022.
Một điều đáng lo ngại tại Quảng Nam là dự báo sau bão sẽ mưa to gây ra ngập, lũ, bởi bên cạnh lượng nước mưa tự nhiên chảy về, là lượng nước xả từ các hồ thủy điện phía thượng nguồn. Để bảo vệ các công trình, dự án đã và đang thi công không bị nước lũ cuốn trôi, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Tỉnh đã yêu cầu Thủy điện Sông Bung, A Vương, Đắc Mi, Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành bảo đảm mực nước các hồ thủy điện không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành bảo đảm, không gây dòng chảy đột biến, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình đang thi công phía hạ du”.