Chủ nhật này (17/4), 18 quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu sẽ tiến hành gặp gỡ tại Doha để thảo luận về vấn đề tạm ngừng nâng sản lượng.
Các quốc gia này đã tiêu tốn 315 tỷ USD, tương đương 1/5 toàn bộ kho dự trữ ngoại tệ, kể từ khi giá dầu bắt đầu sụp đổ vào tháng 10/2014, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2015, kho dự trữ của các quốc gia này đã giảm gần 54 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong một quý kể từ khi khủng hoảng giá dầu diễn ra.
Giá dầu sụp đổ khiến kho dự trữ ngoại tệ của các quốc gia sản xuất dầu mỏ giảm mạnh
Trong số đó, kho dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Xê út đã giảm đi gần một nửa, với 138 tỷ USD, chiếm 23%. Đây là quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất vì giá dầu sụp đổ. Tiếp theo dó là Nga, Algeria, Libya và Nigeria. Riêng trong quý IV/2015, Ả Rập Xê út đã “đốt” 38,1 tỷ USD vì giá dầu thấp, mức giảm mạnh nhất trong quý kể từ năm 1962.
Cuộc họp tại Doha sẽ quy tụ cả các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia ngoại khối. Theo các chuyên gia, dù đạt được thỏa thuận tạm ngừng nâng sản lượng thì thỏa thuận này vẫn chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, bởi các quốc gia đều đang có sản lượng ở mức rất cao.