Cách nào tháo gỡ ách tắc giải ngân gói 120 nghìn tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 1 năm triển khai, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mới giải ngân được 646 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm là do thủ tục đầu tư kéo dài, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, đối tượng được mua nhà rất hạn hẹp. Do đó, cần các giải pháp thực tế và hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Gói tín dụng 120 nghìn tỷ hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mới giải ngân được 646 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Gói tín dụng 120 nghìn tỷ hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mới giải ngân được 646 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Lãi suất không hấp dẫn, điều kiện khắt khe

Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai Chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn VND bình quân trên thị trường (gọi tắt là Chương trình). Đến nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước cam kết tham gia với số vốn 120 nghìn tỷ đồng, còn có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đăng ký tham gia 5.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị gói hỗ trợ lên 125 nghìn tỷ đồng. Mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Thời gian hỗ trợ đối với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tại Hà Nội và TP.HCM, số lượng dự án NOXH rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài nên để giải ngân nhanh nguồn vốn này, đề nghị các địa phương giao đất sạch cho dự án. Đối với các ngân hàng thương mại, thủ tục vay vốn rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, ông Tuấn Anh đề xuất nên bỏ qua quá trình này bởi đã là phát triển NOXH thì đương nhiên dự án phải có hiệu quả, theo quy định tại Điều 85 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên tổng chi phí của dự án.

Đại diện Công ty CP Đức Mạnh cho biết, thủ tục hành chính để xây và mua NOXH còn nhiều vướng mắc dẫn đến người dân không mua được nhà nên cũng không vay tiền. Bên cạnh đó, hiện mức lãi suất cho vay bình thường là 8 - 9%, còn lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng là 7 - 8,2% là chưa hấp dẫn.

Từ phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, ngân hàng này đang tiếp cận khoảng 21 dự án, bao gồm dự án đã đủ thủ tục và dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong đó, Vietcombank đã ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng, nhu cầu vay vốn khoảng 500 tỷ đồng. Đến nay, Vietcombank chưa phát sinh dư nợ tín dụng với Chương trình, song theo kế hoạch, đến hết 30/6 dư nợ của Chương trình sẽ đạt gần 50 tỷ đồng và lên mức 900 tỷ đồng vào cuối năm nay. Trong quá trình triển khai, Vietcombank gặp một số vướng mắc, chủ yếu là việc hoàn thiện pháp lý của chủ đầu tư với chính quyền địa phương.

Về đề xuất giảm lãi suất cho vay, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, mức lãi suất giảm 1,5 - 2% và cố định trong 3 - 5 năm là tiềm ẩn rủi ro lãi suất với các ngân hàng, song vì nhiệm vụ chính trị nên các ngân hàng vẫn phải cam kết thực hiện. Sau thời hạn đó, Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện lãi suất ưu đãi nhưng không theo cơ chế cố định mà thả nổi lãi suất thì hợp lý với các bên hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng không chỉ thực hiện Chương trình này mà còn hỗ trợ lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên với dư nợ chiếm 35% tổng dư nợ. “Cần dành nguồn lực hỗ trợ các lĩnh vực khác như nông, lâm, thủy sản… để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết, trong số 30 dự án có nhu cầu, VietinBank đang tham gia 8 dự án, trong đó 5 dự án đã cấp vốn với hợp đồng tín dụng đã ký trị giá 1.000 tỷ đồng, đã giải ngân được 427 tỷ đồng.

Về quy trình thẩm định dự án, theo ông Sơn, các ngân hàng bắt buộc phải thực hiện các bước thẩm định theo quy định của pháp luật và nỗ lực rút ngắn quy trình. Bên cạnh đó, vì tài sản bảo đảm của khoản vay là NOXH được xây dựng không qua định giá đất và người mua nhà chỉ được chuyển nhượng sau 5 năm, nên trong trường hợp người mua nhà gặp khó khăn về tài chính và không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp cần phối hợp mua lại nhà để hỗ trợ xử lý tài chính.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng này đã tham gia một số dự án trong Chương trình với tổng mức cam kết gần 700 tỷ đồng và đã giải ngân được 170 tỷ đồng tại TP.HCM.

Theo ông Hưng, so với gói hỗ trợ mua NOXH 30 nghìn tỷ đồng áp dụng từ năm 2012 - 2016 với lãi suất 5%, lãi suất của Chương trình hiện ở mức 7,5% cho người vay mua nhà là khá cao. Do đó, cần xem xét hỗ trợ thêm lãi suất, có thể bằng cách chuyển một phần gói hỗ trợ lãi suất 2% sang thực hiện gói này để giảm lãi suất vay mua nhà xuống còn 5,5%.

Về việc thẩm định dự án, ông Hưng chia sẻ: “Với các doanh nghiệp, 100% dự án của họ là hiệu quả. Tuy nhiên, ngân hàng phải xem hiệu quả như thế nào, dự án đã tính đến yếu tố bất thường chưa. Ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian thẩm định đến mức ngắn nhất có thể song vẫn phải bảo đảm kiểm soát được hiệu quả dự án”.

Cần mở rộng đối tượng được vay

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, thực hiện Chương trình, đến cuối tháng 2, Agribank đã ký hợp đồng tín dụng với 8 dự án, số vốn cam kết gần 2.500 tỷ đồng và đã giải ngân được hơn 400 tỷ đồng. Agribank đang tiếp cận 5 dự án khác với tổng số tiền đề nghị vay khoảng 2.000 tỷ đồng.

Về việc giảm thêm lãi suất và kéo dài thời gian ưu đãi, bà Bình chia sẻ: “Chủ đầu tư chỉ cần hoàn thiện đủ thủ tục, đủ điều kiện bán hàng là có thể ghi nhận doanh thu. Nếu thủ tục được hoàn thiện nhanh gọn thì thời gian ưu đãi 3 năm là phù hợp. Với người mua nhà, việc cho vay đối tượng thu nhập thấp là rủi ro. Rủi ro càng cao khi ngân hàng không xử lý được tài chính do người mua nhà mất khả năng trả nợ mà chưa được phép chuyển nhượng. Do đó, sau 5 năm hỗ trợ lãi suất thì áp dụng lãi suất thả nổi là phù hợp”.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, với Chương trình này, BIDV đã tiếp cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án với mức cam kết cho vay 985 tỷ đồng, song mới giải ngân được 96 tỷ đồng do khách hàng chưa muốn vay.

Đối với vướng mắc về thủ tục, ông Lâm chia sẻ, có trường hợp dự án có quyết định chủ trương đầu tư là NOXH cho người thu nhập thấp, công nhân của một huyện. Dự án có hơn 200 bộ hồ sơ xin vay nhưng chỉ có 79 bộ hồ sơ được duyệt, khách hàng ở các địa bàn khác đều không được vay. Dự án bị kéo dài và phải cơ cấu nợ mấy lần vì không tìm được khách hàng. Đến nay, sau 2 năm ách tắc, dự án đã được gỡ vướng và đang triển khai tích cực. Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí với người mua NOXH là có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng. Ở mức thu nhập này không thể vay 1 tỷ đồng để mua nhà vì thu nhập đó chỉ đủ để trả lãi ngân hàng.

Ông Lâm kiến nghị Bộ Xây dựng cần tham mưu với Chính phủ mở rộng đối tượng được mua NOXH để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thực hiện dự án và ngân hàng thẩm định khách vay. Mặt khác, BIDV sẵn sàng cùng chủ đầu tư có tài chính tốt triển khai dự án cho thuê NOXH.

Tin cùng chuyên mục