Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng và yêu cầu phát triển để xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Ảnh: Vũ Long |
Tại Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam ngày 16/1, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp Trung tâm, TP. Đà Nẵng đã quy hoạch 6,17 ha với vị trí kết nối, hạ tầng tốt nhất để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích; 9,7 ha phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2, một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến. Trong tương lai, Thành phố sẽ nghiên cứu mở rộng thêm 62 ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng và yêu cầu phát triển để xây dựng trung tâm tài chính khu vực, bao gồm: vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, nằm ở trung tâm vùng Duyên hải miền Trung, có tính kết nối cao về giao thông quốc tế... Đặc biệt, khi kết hợp cùng Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính - thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Thành phố trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia và khu vực.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả định hướng phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025 như tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm tài chính; hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ bảo đảm tính đột phá của trung tâm tài chính tại Việt Nam...
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Quỹ Terne Holdings (Singapore) cho rằng, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa khi tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số.
Về tài chính xanh, theo ông Anky Khoo, cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng với nhu cầu tài chính xanh trị giá 1 nghìn tỷ USD của ASEAN vào năm 2030 mang đến cơ hội lớn. Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách tạo thị trường cho phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững.
Với vị trí gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu, Đà Nẵng có cơ hội trở thành trung tâm tài chính thương mại trị giá 200 tỷ USD mỗi năm từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch”, ông Anky Khoo đánh giá.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, để Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng khả thi, cần sớm ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho phép áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính; hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng trong thanh toán kỹ thuật số và các giao dịch tài chính; thúc đẩy hợp tác với các trung tâm tài chính quốc tế…
Theo TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính, Đà Nẵng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm tài chính đã phát triển mạnh trong khu vực như Singapore, Tokyo hay Thượng Hải. Do đó, cơ chế, chính sách đặc thù cùng khung pháp lý minh bạch, hấp dẫn là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư.