Quy định mới về phòng cháy chữa cháy làm tăng chi phí, cản trở doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Bài 1: “Rào cản” kinh doanh vẫn ngáng đường doanh nghiệp
Khôi phục và khơi thông động lực tăng trưởng cho DN và nền kinh tế là một nhiệm vụ rất lớn trong bối cảnh GDP nước ta tăng trưởng thấp năm 2022 và tiếp tục thấp trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, lắng nghe DN cho thấy, bên cạnh những khó khăn về vốn, về thị trường…, hoạt động thực tiễn của DN gặp rất nhiều vướng mắc trực diện về điều kiện kinh doanh, tự DN không xử lý được nên cứ xoay trong khó khăn...
Khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy
Giữa lúc những bất cập ở QCVN 06:2022/BXD chưa được khắc phục, ngày 2/7/2023, Công ty CP Lũng Lô 2 Hạ tầng (thuộc quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) có đơn gửi Cục Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ thuộc Bộ Công An nêu bất cập tại Thông tư số 52/2020/TT-BCA về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm nước chữa cháy (QCVN 02:2020/BCA). Theo phản ánh, quy định này vừa gây khó khăn trong việc thực hiện, vừa tốn kém chi phí cho DN.
Ông Tăng Hải Tân, Giám đốc Công ty CP Lũng Lô 2 Hạ tầng phản ánh, QCVN02:2020/BCA quy định không được dùng máy bơm trục ngang đặt trên nguồn nước đối với công trình là nhà xưởng thuộc dự án có tổng diện tích sàn trên 18.000 m2. Theo ông Tân, đây là quy định không phù hợp với thực tế và không phù hợp tiêu chuẩn của nhà sản xuất. “Tiêu chuẩn máy bơm trục ngang của nhà sản xuất đều bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật và đưa ra khuyến cáo đặt ở nơi khô ráo, không nhất thiết phải đặt dưới mực nước đầu vào”, ông nói.
Cũng theo ông Tân, giá máy bơm trục đứng cao hơn rất nhiều so máy bơm trục ngang. Nếu áp dụng QCVN02:2020/BCA, tổng số tiền đầu tư hệ thống máy bơm PCCC không phải là vài trăm triệu mà lên tới vài tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest) chia sẻ, DN ông của thời gian qua gặp nhiều vướng mắc trong việc thực thi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành. Trong 3 năm qua, quy chuẩn này thay đổi 3 lần (QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD) khiến các DN xây dựng và kinh doanh bất động sản rất vất vả. Hơn nữa, các quy chuẩn đưa ra không hợp lý do không được tham vấn ý kiến của hiệp hội ngành nghề. Không thực thi thì sai luật mà thực thi thì vừa tốn kém, vừa bức xúc.
Ví dụ, QCVN 06:2022/BXD yêu cầu một tòa nhà cao 20 tầng phải có 1 tầng lánh nạn, tức là tầng đó để không. “Thực tế khi nhà cháy liệu người dân có vào tầng lánh nạn không hay tìm đường thoát ra ngoài?”, ông Hiệp đặt câu hỏi và cho biết, phát sinh thêm tầng lánh nạn, chủ đầu tư buộc phải phân bổ vào giá thành ảnh hưởng đến giá bán cho người mua nhà. “Trước đó, quy chuẩn chỉ yêu cầu có 1 phòng lánh nạn nhưng sau sửa thành phát triển 1 tầng”, ông Hiệp ngán ngẩm nói.
Một bất cập nữa là QCVN 06:2022/BXD yêu cầu các quạt hút khói phải chịu được nhiệt độ 200 độ C trong 4 tiếng. “Cháy 200 độ thì làm gì có quạt nào chịu được... Đó là những điểm vô cùng bất hợp lý trong quy chuẩn nhưng cơ quan ban hành Bộ Xây dựng chưa chịu lắng nghe”, đại diện GP. Invest giãi bày.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM Lý Thị Kim Chi cũng chia sẻ bức xúc về vướng mắc trong thực thi quy định về PCCC. Bà Chi cho hay, khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương do bà làm chủ đầu tư đang ở tình trạng bị tắc hoàn toàn do quy định rất vô lý về PCCC.
Hàng loạt hiệp hội, DN mới đây đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu những khó khăn, vướng mắc mà cộng động DN gặp phải trong lĩnh vực PCCC và đề xuất hướng tháo gỡ. Mong mỏi nhất của DN là nhà quản lý nhanh chóng “nhìn vào sự thật” để gỡ khó cho DN, nếu không, DN mất vốn, người lao động mất việc và nhiều hệ lụy khác sẽ xảy ra.
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết quá trình xuất khẩu rất dễ bị kéo dài vì thủ tục hành chính. Ảnh: Lê Tiên |
Hàng nghìn rào cản ẩn trong quy chuẩn, tiêu chuẩn
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, những vướng mắc mà DN nêu ra chỉ là phần nhỏ trong khối “rào cản” ĐKKD mà DN gặp phải. Cũng theo bà Thảo, trong đợt rà soát năm 2023, số lượng ĐKKD giảm về hình thức, nhưng so với đợt rà soát 2016 - 2017 lại thấy, các ĐKKD hiện hành dẫn chiếu đến văn bản khác hoặc quy định căn cứ theo QCVN, căn cứ theo pháp luật liên quan rất phổ biến.
Mô tả dễ hiểu hơn, chuyên gia CIEM cho biết, để có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể, DN phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện trong nhiều chuyên ngành khác như: điều kiện về PCCC, điều kiện về an ninh trật tự, môi trường, về năng lực hành nghề… Cứ thế, giấy phép con nằm trong giấy phép mẹ, giấy phép cháu nằm trong giấy phép con, “hành” DN.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trên cơ sở 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, nếu các cơ quan thực thi xác định ĐKKD chính xác, phù hợp thì đây là biện pháp quản lý hiệu quả, bảo đảm tính an toàn, bền vững của thị trường. Trường hợp ngược lại, các quy định này sẽ trở thành rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.
Nhưng vấn đề bà Hồng nêu mới chỉ là về những ĐKKD đã có, chưa kiểm soát được những ĐKKD đang nhen nhóm trong các văn bản pháp lý trong quá trình xây dựng.
Còn “bão ngầm” trong hành chính
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, dường như các cơ quan chức năng đòi hỏi nhiều giấy tờ hơn, nhiều việc hơn so với quy định với các DN. Có nhiều việc đã rất rõ ràng nhưng cán bộ thực thi vẫn đòi hỏi thêm các loại giấy tờ khác từ cơ quan nhà nước, thậm chí là từ cơ quan thẩm quyền của các nước. Có trường hợp, DN cố gắng cung cấp đủ giấy tờ thì lại được báo là không cần thiết... Quá trình xuất khẩu rất dễ bị kéo dài chỉ vì thủ tục hành chính, trong khi mấy ai thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả của DN khi cố công sản xuất được hàng đủ tiêu chuẩn quốc tế, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm bạn hàng…, rồi bị khựng lại ở khâu thủ tục xuất khẩu.
Phát biểu tại Phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14, HĐND khóa XVIII tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy DN vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Thực trạng này khiến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, DN mất cơ hội đầu tư... “Đây được coi là cơn bão ngầm trong hành chính”, ông Đoan nhấn mạnh.
Trên nghị trường Quốc hội, tại Kỳ họp Thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trong thời điểm “dầu sôi, lửa bỏng” cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các cấp, các ngành tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức…
(Còn tiếp)