Ảnh: VGP/Lê Anh |
Đây là chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cho Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam khi Hiệp định TPP có hiệu lực” do Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế ( Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 19/2 tại TPHCM.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội, kèm với đó là những thách thức. Tuy nhiên, cơ hội không tự biến thành lợi ích và thành sức mạnh trên thị trường. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng mức độ tùy thuộc vào đối sách của chủ thể (Nhà nước và DN).
Theo ông Trương Đình Tuyển, Nhà nước và DN là những chủ thể quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước có vai trò quyết định, bởi Nhà nước là chủ thể tạo ra năng lực cạnh tranh vĩ mô, trong đó có sức cạnh tranh về thể chế, yếu tố quyết định nhất cho phát triển bền vững.
Thể chế tạo ra khung khổ cho DN hoạt động. Thể chế tốt bảo đảm tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, giúp DN xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn.
Cải cách thể chế là gốc, nó tạo khuôn khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Mặt khác, kết quả của cải cách thể chế phải chuyển thành sự cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính vì vậy, “điểm khởi đầu” của việc cải cách thể chế là định vị đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và DN. Trong đó, Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển mà nội hàm là bảo đảm ổn định vĩ mô, xây dựng khung khổ thể chế để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng, bảo vệ nhà đầu tư; bằng quy hoạch, chính sách và nguồn nhân lực Nhà nước thực hiện chiến lược tăng trưởng bao trùm; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu mà các thành phần khác không làm hoặc chưa có khả năng làm.
Với những vấn đề liên quan đến TPP, TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng cần tuyên truyền đến tất cả các ngành, lĩnh vực về TPP.
Bên cạnh đó, cần rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung 30 chương của TPP, từ đó có kiến nghị, loại bỏ các quy định hết hiệu lực, còn hiệu lực nhưng phải sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng phát triển và nâng cao tinh thần phục vụ DN.
Còn theo PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN), trong quá trình hội nhập, để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì các DN phải xem xét, rà soát lại sự cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác, xem họ đang ở trình độ nào, chất lượng ra sao, giá thành, thông tin về sản phẩm hàng hóa như thế nào. Đi cùng với đó là thông tin về công nghệ mà các nước đang sử dụng để cho ra sản phẩm đó. Trên cơ sở đó, DN sẽ phải có quyết định cho chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Cùng với đó, các nhà khoa học, công nghệ, các tổ chức KH&CN phải bám sát, đồng hành với DN trong vấn đề này; đồng thời với việc tư vấn cho DN trong việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại để nhập khẩu, làm chủ công nghệ nhập khẩu và tiến tới sáng tạo ra công nghệ mới ở trong nước.