Cải cách và đổi mới thể chế về đấu thầu

(BĐT) - Thể chế có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đồng thời thể chế là một thành tố có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả của việc chi tiêu sử dụng nguồn vốn nhà nước, chất lượng môi trường kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải cách và đổi mới thể chế kinh tế là yêu cầu khách quan, xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước. Cải cách và đổi mới thể chế kinh tế thực chất là cụ thể hóa quy luật phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất, xây dựng kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng xã hội. Bài viết này đề cập đến cải cách và đổi mới thể chế kinh tế trong công tác đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Việc cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế phải bảo đảm mục tiêu là làm cho các thể chế phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, giữ vững định hướng XHCN, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, cùng với Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Nghị định 63) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu của cải cách và đổi mới thể chế kinh tế nói trên đối với hoạt động đấu thầu. Cụ thể như:

Với nhiều quy định mới có tính “cách mạng”, Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sẽ là cú hích lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, góp phần minh bạch, công khai hoạt động đấu thầu; bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế từng bước được nâng cao; góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bênh cạnh đó, Luật Đấu thầu 2013 đã pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong toàn bộ quá trình thực hiện các hoạt động này. 

Việc Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu 2013 đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; trong đó, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng duy trì tỷ trọng đầu tư công truyền thống ở mức hợp lý, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trên cơ sở cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính dẫn dắt của các hoạt động đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực và của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2013 cũng đã có những quy định nhằm ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước; nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, ngay sau khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 63, Nghị định 30; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn dưới dạng mẫu (mẫu HSMT xây lắp, mẫu HSMT hàng hóa, mẫu HSMT tư vấn, mẫu hồ sơ yêu cầu, mẫu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu…) để hướng dẫn thực hiện Luật. Vì vậy, đã đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm cho việc thực thi pháp luật đấu thầu được chuẩn hóa, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định song phương, khu vực và đa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.

Quy định của pháp luật về đấu thầu đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của cải cách và đổi mới thể chế kinh tế. Tuy nhiên, công tác đấu thầu xưa nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, để Luật Đấu thầu 2013 thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi đạo đức, kiến thức và trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia vào hoạt động đấu thầu phải tốt; cùng với đó cũng cần phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát quá trình tổ chức đấu thầu thầu, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục