Sự tận tâm với trách nhiệm trước nền kinh tế chính là chìa khóa để thay đổi vị thế của doanh nghiệp tư nhân khi hội nhập. Ảnh: Quốc Tuấn |
Bài 3: Đã đến lúc doanh nghiệp rũ bỏ vỏ ốc
Không thể chần chừ
Sau khá nhiều năm vắng bóng trên truyền thông, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa tái xuất với 2 vị trí. Một là thành viên sáng lập Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), sẽ khai mạc vào chiều nay (3/6). Hai là Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư vàKhởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, người sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động sau Lễ bình chọn Doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu vào sáng 4/6.
Không chia sẻ nhiều về lý do của lần xuất hiện này, ông Việt chỉ kể lại cuộc làm việc hồi đầu năm giữa hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Hôm đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, rằng doanh nghiệp làm gì trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập rất sâu với các chuẩn mực rất cao, rằng phải làm gì để phát triển, khẳng định thương hiệu, xây dựng uy tín của doanh nghiệp Việt Nam... “VPSF ra đời để chúng tôi tìm điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó xác định mong muốn và giải pháp để hành động. Chúng tôi không thể chần chừ hơn”, ông Việt nói.
Sau cuộc làm việc đó, họ đã hành động ngay. 10 nhóm công tác gồm 7 ngành, 3 lĩnh vực của VPSF đã sẵn sàng đối thoại với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế có liên quan để hoàn tất các bản tuyên bố được chuẩn bị cả tháng trước đó. Họ đang đặt rất nhiều kỳ vọng ở sản phẩm chung đầu tiên này.
Đặc biệt, ngày 10/6 tới, cuốn sách trắng đầu tiên về kinh tế tư nhân Việt Nam (tập hợp các tuyên bố ngành) sẽ chính thức được gửi tới Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, các địa phương và từng vị đại biểu Quốc hội khóa XIV tới. Kế hoạch theo sát các động thái của các bộ, ngành trong từng kiến nghị theo đúng cơ chế đối thoại… đã được bàn bạc rất kỹ.
Có vẻ những người sáng lập VPSF đang học theo mô hình của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), sau này là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Điểm khác lớn nhất là, nếu VBF là sự xuất hiện và tham gia đông đảo, thậm chí có thể nói là áp đảo của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì VPSF đang hội tụ gần hết các thương hiệu Việt danh tiếng.
Nhưng phải thẳng thắn, VPSF không dễ có được sự thành công mà VBF đã tạo dựng được trong gần 20 năm qua. Bởi đằng sau VBF là cộng đồng các hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đông đảo, chuyên nghiệp và mạnh mẽ. Ngay cả khi được chuyển giao cho Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2012, với mong muốn mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam, thì trong HĐQT của liên minh này, chỉ có một đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Quan trọng hơn, nhìn vào hoạt động phản biện và đối thoại chính sách của khu vực tư nhân Việt Nam, điểm yếu lớn nhất lại chính là từ các doanh nghiệp Việt. Có thể thấy rõ điều đó trong sự thất thế của các doanh nghiệp dệt may tại cuộc đối thoại với Bộ Công thương về Thông tư 37/2015/TT-BCT hơn 1 tuần trước. Tại đây, doanh nghiệp nào kêu việc của doanh nghiệp ấy, không có dấu hiệu của sự liên hệ, bàn bạc và đề xuất giải pháp ở góc độ tổng thể… Cũng chỉ có 5 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đến dự, khiến đại diện Bộ Công thương gần như độc thoại…
Dẫu vậy, VPSF đang phát đi những dấu hiệu mới. Những người trong cuộc tin như thế, bởi không dễ để những tên tuổi như Trương Gia Bình, Võ Quốc Thắng, Trần Bá Dương, Lê Phước Vũ, Phạm Đình Đoàn, Lê Vĩnh Sơn… cùng xuất hiện trong vai các nhà tổ chức của VPSF, cùng cất tiếng nói ở vị trí các chủ tịch nhóm làm việc.
Nghe kể, họ đã ngồi với nhau mấy tháng liền để xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình, bàn xem con đường nào đi đến thành công, cân nhắc từng khuyến nghị gửi Chính phủ mà họ tin rằng, sẽ tạo thuận lợi lớn nhất cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều người trong các nhóm có khác biệt về kinh nghiệm, nhiều người là đối thủ trực tiếp trong kinh doanh, không dễ gạt sang bên các suy nghĩ khác biệt.
Tất nhiên, mọi việc sẽ không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng như ông Việt đã nói, doanh nghiệp Việt Nam đang tận tâm với trách nhiệm trước vận mệnh của nền kinh tế. Đó là chìa khóa quan trọng để thay đổi vị thế của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển đất nước, cũng là động lực để cải cách thể chế…
Đồng khí tương cầu
Thông tin từ cuộc họp Chính phủ tháng 5 (ngày 1/6) về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trong số 49 nghị định cần phải ban hành, tới ngày 31/5, đã có 35 nghị định trình Chính phủ. Trong số 14 nghị định chưa trình, thì 10 dự thảo nghị định đã được thẩm định.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh và về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Y tế…
Danh sách các bộ nợ đọng cũng đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chắc chắn, sẽ có những động thái kiên quyết tiếp theo từ người đứng đầu Chính phủ. Ngay trong lời mở đầu phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm được Chính phủ xác định tại phiên họp thường kỳ tháng 4. Đó là xây dựng Chính phủ thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế.
Thủ tướng Chính phủ không ngần ngại đặt câu hỏi “Vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh?” để nhắc lại một nguyên nhân quan trọng, nhưng chưa thực sự thấm vào từng công chức nhà nước. Đó là cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
“Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức nơi này, nơi khác…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định và yêu cầu kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Tinh thần vì sự thuận lợi của người dân, của doanh nghiệp đang chảy mạnh trong hoạt động của Chính phủ.
Có lẽ phải nhắc lại cuộc hội thoại khá đặc biệt giữa bà Victoria Kwakwa, khi đó đang giữ vị trí Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam với Chính phủ Việt Nam vào tháng 12/2015. Ngồi ở chiếc ghế đồng chủ tịch VDPF, bà Victoria Kwakwa đặt vấn đề: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”.
Câu trả lời đã được tìm thấy sau 4 tiếng thảo luận sau đó giữa đại diện các bộ, ngành và các nhà tài trợ về các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam. Đó là, nhân dân quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển. Vì thế, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là ra nguồn lực của nền kinh tế.
Vừa trở lại Việt Nam trong vai trò Phó chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để chủ trì Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và nhu cầu hiện đại hóa thể chế”, bà Kwakwa tiếp tục đặt câu hỏi này, nhưng mở rộng hơn, đó là vai trò của doanh nghiệp trong khát vọng thịnh vượng của Việt Nam. “Tôi rất mừng vì thấy Chính phủ đang coi trọng việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là lúc Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn để khu vực tư nhân thực sự tiến về phía trước”, bà Kwakwa nói.
Có thể, Chính phủ phải cần thời gian để hoàn tất những cam kết, nhưng việc có thể làm ngay là tận tâm và trách nhiệm với các cam kết mà Chính phủ đưa ra. Đó cũng chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi.
Khi cam kết “gỡ đinh dưới tấm thảm thu hút đầu tư” để doanh nghiệp an tâm làm ăn của người đứng đầu Chính phủ được thực hiện rốt ráo, khi doanh nghiệp tự tin ký tên trong những bức thư kiến nghị gửi các cơ quan quản lý nhà nước và khi doanh nghiệp Việt rũ bỏ vỏ ốc để tự tìm điểm mạnh, điểm yếu, từ đó xác định giải pháp hành động, thì tin rằng, “tấm thảm thu hút đầu tư” sẽ trở về đúng ý nghĩa đích thực của nó.