Ảnh Internet |
Diễn đàn cũng làm sáng tỏ hơn việc vì sao Nghị quyết (NQ) 19 và NQ35 chậm đi vào cuộc sống và ý nghĩa của việc giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh xuống còn 243 điều kiện gắn với quyền và cơ hội kinh doanh của DN.
Cải cách là phải có sự áp đặt
Trả lời câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn về tiến trình thực hiện của NQ19 và NQ35 còn chậm, chưa được như mong đợi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu thực tiễn: “Nếu cải cách mà làm theo cách tiếp cận là yêu cầu sự tự giác, chủ động tích cực của chính cơ quan tạo ra rào cản đó, bảo họ tự đi gỡ bỏ rào cản thì trên thực tế tôi chưa thấy ở quốc gia nào thành công”.
Qua quan sát của mình, ông Hiếu nhận thấy, gần như không có cuộc cải cách nào không cưỡng bức mà thành công. Nếu cải cách mà số đông lại chủ động, tích cực làm thì không gọi là cải cách nữa mà là xã hội cùng tiến bộ.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, đại diện CIEM thông tin, tại một số nước, việc trực tiếp rà soát, tham mưu, chủ trì kiến nghị gỡ bỏ các quy định không phù hợp được giao cho cơ quan ở tầm Chính phủ, chứ không giao lại cho các bộ thực hiện. Trong khi đó, ở nước ta, cách tiếp cận hiện nay của NQ19 vẫn là giao cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm đôn đốc, thúc giục, thúc giục không được thì nài nỉ… Đây chính là nguyên nhân tiến trình cải cách bị chậm.
Cũng theo ông Hiếu, chưa có lĩnh vực nào Chính phủ tập trung cải cách nhiều như lĩnh vực về điều kiện kinh doanh. Tuy có những tiến bộ nhất định, nhưng kết quả không đạt như mục tiêu, mong muốn của cộng đồng DN. Thậm chí vấn đề về điều kiện kinh doanh còn nguyên như trước đây.
Làm gì trong ngắn, trung và dài hạn?
Lựa chọn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh hiện nay, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN bày tỏ quan điểm, có những giải pháp phải thực hiện ngay trong ngắn hạn, nhưng cũng có những giải pháp căn cơ phải thực hiện trong dài hạn.
Với góc tiếp cận của mình, ông Hùng cho rằng, trong ngắn hạn phải tập trung vào các giải pháp làm giảm chi phí cho DN. Hiện chi phí của DN trong kinh doanh khá cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh của DN thấp. Có những chi phí mà cơ quan nhà nước không thể tác động được do nhiều yếu tố khách quan (như thiếu vốn, khó trong mặt bằng sản xuất, lao động), nhưng có những loại chi phí Chính phủ có thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa được như: chi phí về giao thông vận tải, logistics tại các cảng, thủ tục xuất nhập khẩu, mã hải quan, thủ tục xác nhận hàng hóa chuyên ngành.
Trong trung hạn sẽ là vấn đề về tiếp cận vốn, tín dụng cho DN. Về vấn đề này, ông Hùng khẳng định quan điểm là DN phải chủ động, phải đáp ứng được các điều kiện, minh bạch trong quản trị và đáp ứng các yêu cầu thẩm định của hệ thống ngân hàng. Bởi các điều kiện thẩm định từ phía các ngân hàng thương mại theo ông Hùng là tương đối rành mạch, rõ ràng, chỉ có điều là các DN chưa đáp ứng được các điều kiện này.
Còn trong dài hạn, ông Hùng cho rằng, cần trả môi trường kinh doanh về đúng nghĩa là quyền kinh doanh của DN. Nếu môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh cho cả phía cơ quan nhà nước và DN sẽ tạo được lòng tin trong kinh doanh, qua đó triển khai giải pháp, chính sách mới thuận lợi.