Ông Marcel Raymond, trưởng phòng hợp tác, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam. Ảnh: L.H
Ông cảm nhận gì về kinh tế Việt Nam hiện nay?
Tôi thấy các bạn thành công về nhiều mặt và rất có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ là các bạn có thể tiếp tục cải thiện các thành tựu đã có để có thể đạt được thành công hơn nữa. Trong nhiều trường hợp, các bạn có thể xem xét chức năng vận hành và khả năng thực thi của khung pháp lý và các chính sách để có thể tìm cách cải thiện tốt hơn nữa, từ đó, mang lại thành công nhiều hơn.
Ông vừa nhắc đến từ “thành công”, theo ông, Việt Nam đã thành công về những mặt nào?
Các bạn có nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, người lao động ngày càng được cải thiện về kỹ năng. Điều đó được thể hiện cụ thể qua việc các bạn có thể xuất khẩu được lao động sang các nước khác. Không chỉ vậy, nền kinh tế của các bạn tạo ra ngày càng nhiều việc làm hơn, từ đó, góp phần cải thiện tăng trưởng GDP và cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Tiếp đó, khi đời sống của người dân được cải thiện thì chi tiêu của họ cũng sẽ cao hơn và giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và lại thu hút được đầu tư.
Điều này thể hiện qua các con số tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng đầu tư, nguồn lực lao động, thu nhập bình quân đầu người...
Mặt khác, các bạn có khung pháp lý và môi trường chính sách ngày càng cải thiện về nhiều mặt, các bước thực thi cũng được chú trọng nhiều hơn.
Đằng sau sự thành công này, có điều gì đáng quan ngại không, thưa ông?
Đúng là có. Nhờ những lợi thế về lao động, khung pháp lý thuận lợi nên các bạn đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, từ đó, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ lợi ích của đầu tư nước ngoài với kinh tế Việt Nam. Các bạn có nghĩ đến lúc, lao động của Việt Nam không còn giá rẻ, các nước khác cũng tạo điều kiện tốt hơn thì đầu tư nước ngoài sẽ tìm đường ra đi không? Do đó, vấn đề cần xem xét là sự kết nối và gắn bó của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như tận dụng dòng vốn này để tăng sức mạnh cho doanh nghiêp Việt Nam. Đây mới là tầm nhìn dài hạn để mang lại sự phát triển và thịnh vượng bền vững và lâu dài.
Điều này có thể được thực hiện từ việc làm tốt hơn những gì đang có, thực thi khung pháp lý tốt hơn, hiệu quả chính sách cao hơn.
Hai nội dung quan trọng của Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam năm nay là “hướng tới kinh tế thị trường hiện đại” và “đổi mới sáng tạo”. Ông bình luận gì về hai nội dung này?
Nền kinh tế Việt Nam đã có giai đoạn phát triển qua nhiều chặng chuyển tiếp khác nhau, và thời điểm này cũng là một chặng chuyển tiếp quan trọng. Theo tôi, cần tiếp tục đẩy mạnh chức năng thị trường trong nhiều lĩnh vực, nhiều khâu để nền kinh tế phát triển hiệu quả hơn. Đặc biệt, thị trường đất đai của các bạn dường như chưa ổn lắm, tôi thấy nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ đất đai nhưng nhiều người dân khác lại không hưởng lợi. Đây là điều cần cải thiện.
Về đổi mới sáng tạo, rõ ràng là các bạn có dân số trẻ, quy mô dân số lớn, lực lượng lao động có tư duy đổi mới sáng tạo. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để các bạn hướng tới một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, từ sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, điều cần quan tâm trong chiến lược đổi mới sáng tạo là các bạn cần chú trọng đến giáo dục, có tầm nhìn cho nền giáo dục, hay nói cách khác, các bạn nên dạy học sinh từ cấp phổ thông cách tư duy đổi mới sáng tạo thay vì chỉ quen làm theo những gì được dạy.
Tôi nhìn thấy các startup của các bạn phát triển rất tốt, mạnh, các bạn cần tận dụng lực lượng này để hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Với những gì đang diễn ra, tôi tin là trong thời gian tới, các bạn sẽ nhìn thấy đổi thay từ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã có những thông điệp về định hướng phát triển và hành động cho phát triển. Ông bình luận gì về điều này?
Đúng là chúng ta đang thấy Chính phủ hành động, mong muốn mang lại hiệu quả. Tôi thấy các chính sách được các bạn đưa ra là hợp lý, chủ trương định hướng phát triển là phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để hành động thực sự hiệu quả, làm sao để chính sách được thực thi và giám sát thực thi. Theo tôi, các bạn cần không chỉ những giải pháp ngắn hạn mà còn cần tầm nhìn dài hạn cho cả nền kinh tế và đất nước.