Công khai hợp đồng BOT sẽ giúp dư luận xã hội nhìn nhận đúng về quyền lợi và trách nhiệm của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư dự án BOT. Ảnh: Huyền Trang |
Bộ GTVT cho biết, nhiều DN BOT đang gặp khó khăn do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo phương án tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Đặc biệt, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến các DN gặp nhiều khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng. Hiện nay một số ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ với các khoản vay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tăng phí BOT 3 năm/lần đã nằm trong phương án tài chính của hợp đồng BOT được ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ), đến kỳ phải tăng và không thể làm khác được. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của nhà đầu tư BOT đối với phát triển hạ tầng đường bộ, Nhà nước phải đảm bảo những quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn thanh, việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án BOT có thể khiến dư luận hiểu nhầm rằng, Bộ GTVT muốn “cứu” nhà đầu tư BOT mà đề xuất tăng phí, gây áp lực cho DN vận tải. Hợp đồng BOT đã ký kết, CQNNCTQ phải có trách nhiệm đối với các nội dung đã ký kết. Việc đến thời hạn tăng phí đã nằm trong phương án tài chính hoàn vốn đầu tư cho dự án, Nhà nước phải đối xử bình đẳng và tôn trọng nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để tránh những bức xúc không cần thiết từ phía các DN vận tải, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội thì cần phải công bố công khai rộng rãi hợp đồng BOT đã ký để người dân và các cơ quan ban ngành có thể tham gia giám sát, có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư BOT. Bộ GTVT có thể kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN dự án BOT bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do giảm lưu lượng xe (đây là phát sinh tình huống, do bất khả kháng), chứ không cần phải kiến nghị cho phép tăng phí, vì đây là việc phải làm.
Còn theo ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc công khai các hợp đồng BOT đã ký là một giải pháp hay để dư luận xã hội nhìn nhận đúng về quyền lợi và trách nhiệm của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư đối với các hợp đồng dự án BOT. DN vận tải nói riêng và người dân sẽ thấy được lộ trình tăng phí, vì sao phải tăng phí và hệ lụy nếu không tăng phí. Các nhà đầu tư dự án BOT đường bộ đều là nhà đầu tư trong nước, nên thời gian qua, CQNNCTQ (Bộ GTVT) vẫn dùng quyền lực hành chính, mệnh lệnh hành chính để “điều chỉnh” mối quan hệ, áp đặt một số nội dung hoặc không tuân thủ các điều khoản đã ký với nhà đầu tư. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các DN đều gặp khó khăn chứ không riêng gì DN vận tải. Có thể do truyền thông không tốt, không nắm được lộ trình tăng phí trong các hợp đồng BOT nên các DN vận tải, người dân phản ứng, chứ việc tăng phí BOT hiện nay chưa chắc làm tăng giá cước, giá thành vận tải vì giá xăng dầu đang rất thấp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư BOT cho biết, trong quá trình vận hành 1 dự án có tuổi đời hàng chục năm như dự án BOT, các nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thay đổi các quy định pháp luật, phát sinh nhiều bất cập từ cơ chế chính sách. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra sau khi dự án BOT hoàn thành, cũng còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về cấp giấy phép đầu tư, ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà thầu xây lắp, quyết toán dự án… Việc CQNNCTQ không thực hiện một số nghĩa vụ cần thiết trong hợp đồng đã gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư…