Cân nhắc liều lượng khi tiếp tục mở rộng tài khóa, tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Với nhận định tình hình kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều thách thức, một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhiều ý kiến đồng tình với giải pháp này, đồng thời khuyến nghị cần giám sát chặt chẽ biến động của các cân đối vĩ mô để cân nhắc liều lượng chính sách phù hợp.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế là cần thiết, nhưng cần tính toán dựa trên các cân đối vĩ mô. Ảnh: Lê Tiên
Việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế là cần thiết, nhưng cần tính toán dựa trên các cân đối vĩ mô. Ảnh: Lê Tiên

Dự báo tình hình kinh tế trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng đan xen cả những mặt thuận lợi và hạn chế đến từ kinh tế quốc tế và các yếu tố từ bản thân nội tại của nền kinh tế. Về mặt tích cực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực gia tăng cơ hội cho xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới. Cùng với đó là cơ hội gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu khởi sắc; tâm lý tiêu dùng trong nước chưa ổn định; nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm và hoạt động xuất khẩu giảm tiếp tục tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số nhóm giải pháp để giữ đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm và tạo đà tích cực cho năm 2021. Đáng chú ý là giải pháp tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch ở các nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về dịch Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia đã áp dụng vắc-xin; thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng lộ trình, cách thức phân phối vắc-xin để triển khai, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế; có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bình luận về diễn biến kinh tế thời gian qua, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam cho rằng, dù chịu tác động từ dịch Covid-19, song kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực trong so sánh với những nền kinh tế khác. Tuy nhiên, một vài ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới xuất hiện tại TP.HCM đang gây lo ngại đáng kể, bởi hiện nay là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng doanh số bán hàng nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp nghỉ lễ cuối năm và khả năng hồi phục kinh tế mạnh mẽ. Do đó, cần chú trọng khống chế tình hình dịch bệnh sớm và quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp khôi phục cầu tiêu dùng trong nước và bán hàng ra nước ngoài.

Ông Bình cho rằng, các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. “Dù vậy, mức độ mở rộng chính sách tài khóa cần tính toán dựa trên các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước năm nay dự kiến sẽ tăng đáng kể. Ở khía cạnh tiền tệ, lạm phát năm nay gần như chắc chắn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đã đặt ra, tuy nhiên, việc tăng cung tiền trong thời gian tới có thể gây quan ngại về chỉ số này trong năm sau. Vì vậy, mức độ mở rộng tiền tệ cũng hết sức thận trọng”, ông Bình phân tích.

Cũng bàn về vấn đề lạm phát, Công ty Chứng khoán KBSV dự báo, lạm phát bình quân trong năm 2020 ở mức 3,3%. Các tín hiệu tích cực của lạm phát giúp KBSV kỳ vọng việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong tương lai gần nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục