Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Theo tôi, nội dung này cần phải được quy định rõ ràng hơn để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội. Thực tế cho thấy, do không có quy định cụ thể về khoảng cách an toàn trong một thời gian dài nên cùng với quá trình phát triển và đô thị hóa, đến nay xung quanh nhiều nhà máy hóa chất đang hoạt động, dân cư đã ở gần sát tường bao, thậm chí có trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất để định cư lâu dài.
Nếu không có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về khoảng cách an toàn, thì chắc chắc sẽ có nhiều nhà máy đang hoạt động có nguy cơ bị vi phạm, khiến nhà sản xuất hóa chất phải di chuyển vì sức ép của dư luận xã hội, người dân. Trong khi đó, để xây dựng được một dự án sản xuất hóa chất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và trong thời gian dài.
Việc quy định rõ ràng, cụ thể về khoảng cách an toàn không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, mà còn bảo đảm an toàn hóa chất, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Đối với dự án sản xuất hoá chất đang hoạt động được xây dựng trước khi hình thành khu dân cư, thì cần có quy định cụ thể để có chính sách di chuyển dân cư đến khu vực an toàn, trả lại hành lang an toàn.
Bên cạnh đó, cần đơn giản hoá thủ tục đầu tư, giảm chi phí, thời gian xem xét, đánh giá thẩm định dự án hóa chất trọng điểm. Đặc biệt, Nhà nước cần xem xét có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án hóa chất trọng điểm như thuế, tiền thuê đất…