Giao thông thuận lợi sẽ nhanh chóng kết nối các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Cần Thơ cũng như các khu chức năng quan trọng của Thành phố. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định, các trục giao thông mới sẽ tạo động lực to lớn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp - công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch của Cần Thơ, xứng tầm vai trò là Thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mở không gian phát triển mới
Ông Trần Việt Trường cho biết, việc đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là rất cần thiết và cấp bách để hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua địa bàn TP. Cần Thơ; kết nối liên vùng với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Dự án sẽ tạo sức lan tỏa và động lực thúc đẩy liên kết hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Cần Thơ. Dự án gồm 4 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài khoảng 37 km, được giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm Chủ đầu tư.
Ông Trần Việt Trường |
Đối với Cần Thơ, đây là tuyến cao tốc vành đai trục ngang đi xuyên suốt qua địa bàn Thành phố theo hướng Đông Tây (qua các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai); kết nối thông suốt TP. Cần Thơ với các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng; kết nối liên thông với các trục dọc cao tốc, quốc lộ (2 trục cao tốc Bắc Nam phía Đông và phía Tây, Quốc lộ 1, Quốc lộ 61C) và các trục đường tỉnh quan trọng (Đường tỉnh 921; Đường kết nối TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Đường tỉnh 917 nối dài).
Giao thông thuận lợi sẽ nhanh chóng kết nối các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Cần Thơ cũng như các khu chức năng quan trọng của Thành phố đã và đang được quy hoạch xây dựng như: cảng biển Cần Thơ; cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; các khu công nghiệp lớn tại huyện Vĩnh Thạnh và huyện Thới Lai; các khu đô thị lớn (Khu đô thị tại quận Ô Môn; Khu đô thị sân bay tại quận Bình Thủy; Khu đô thị sinh thái huyện Phong Điền; Khu đô thị tại quận Cái Răng).
Ông Trường chia sẻ, để khai thác cơ hội mới, TP. Cần Thơ đã rà soát, bố trí quy hoạch các khu chức năng quan trọng để tích hợp vào đồ án Quy hoạch TP. Cần Thơ và sẽ sớm triển khai đầu tư xây dựng để đón đầu và phát huy lợi thế các trục cao tốc hiện đại đang hình thành. Việc phân bổ không gian với các vùng đô thị, công nghiệp, nông thôn phù hợp với mạng lưới hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực phát triển bứt phá trong giai đoạn tới, để Cần Thơ xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, từ khi bắt đầu triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo Chủ đầu tư, các sở, ngành và địa phương quán triệt đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề ra kế hoạch, phương pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, Dự án đã được phê duyệt đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thuận lợi và đang trong quá trình phê duyệt chi trả cho các hộ dân để bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh nhiều mặt thuận lợi, ông Trường cho biết, việc triển khai Dự án cũng gặp không ít khó khăn vì đây là dự án trọng điểm quốc gia, quy mô cấp kỹ thuật công trình đường cao tốc với khối lượng công việc rất lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và tổ chức. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và phát huy tinh thần đoàn kết, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm khởi công Dự án đúng tiến độ.
Sau khi khởi công, Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều công việc theo trình tự thủ tục quy định, trong đó sẽ tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư cho người dân, cơ bản giao diện tích đất còn lại của Dự án trong năm 2023 theo Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ để triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Vấn đề nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (cát, đất, đá) cho Dự án sẽ được đặc biệt quan tâm để tìm giải pháp khả thi, tháo gỡ vướng mắc. Trong quá trình thi công, Tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhà thầu, để bảo đảm tiến độ, chất lượng, mỹ quan công trình, kịp thời phối hợp hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc cho nhà thầu cũng như xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 đã quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua địa bàn TP. Cần Thơ bao gồm: trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Đông từ TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Tây từ đường N2 (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An) - Mỹ An (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) - Cà Mau; trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư xây dựng 2 trục dọc cao tốc qua địa bàn TP. Cần Thơ. Một là cao tốc Bắc - Nam phía Đông: cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thi công và sẽ hoàn thành năm 2023; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã khởi công vào ngày 1/1/2023. Hai là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng).