Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019.
Nguyên nhân là số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ BHTN ước đạt gần 953.078 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 54.089 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng và Quỹ BHTN là 90.597 tỷ đồng.
Năm 2020, cả nước gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong triển khai thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH trong giai đoạn hiện nay.
Ủy ban Xã hội nhận định rằng, sẽ có nhiều khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu năm 2021. Mặc dù đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025, tuy nhiên, mức đóng có xu hướng giảm nhanh. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện.
Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương) đề xuất, phát triển BHXH một cách bền vững, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH tỉnh Hải Dương, cần sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng một lần. Điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng, bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 28. Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.
Trong lúc chờ sửa Luật BHXH, theo ĐBQH tỉnh Hải Dương, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động từ khi còn trẻ. Từ thực trạng quy định hiện hành của pháp luật về chính sách hưởng BHXH một lần; các hệ lụy, bất cập về mục tiêu an sinh xã hội, về tổ chức thực hiện, đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), cần phân tích, đánh giá đầy đủ những nguyên nhân để đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang còn hết sức phức tạp như hiện nay.
ĐBQH Phạm Đình Thanh (tỉnh Kon Tum) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình các chính sách phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có khả năng tự mua BHYT. Để giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính cá nhân và cũng góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT. Để đến 2025, đạt tỷ lệ 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo mục tiêu Nghị quyết 88 của Quốc hội Khóa XIV đã đề ra.
ĐBQH tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền BHYT, kết hợp thanh kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Quốc hội sớm chỉ đạo Chính phủ xây dựng Luật BHYT sửa đổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi để thực hiện tốt hơn nữa chính sách của Đảng, Nhà nước chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.