Nhà đầu tư được quyền kinh doanh, khai thác công trình dự án để thu hồi vốn và lợi nhuận trong thời gian 43 năm. Ảnh: Hùng Sơn |
Điều chỉnh xây dựng đường cất hạ cánh lên 3.600m
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Dự án BOT Cảng hàng không Quảng Ninh do nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời thực hiện từ năm 2015 (doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn).
Ngày 15/3/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Cảng HKQT Vân Đồn) giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó điều chỉnh kéo dài đường cất hạ cánh từ 3.000m lên 3.600m. Để phù hợp với quy hoạch điều chỉnh, Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Nội dung điều chỉnh là điều chỉnh tên Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức BOT thành Cảng HKQT Vân Đồn theo hình thức BOT; điều chỉnh chiều dài đường cất hạ cánh (CHC) từ 3.000m thành 3.600m; điều chỉnh bổ sung đường lăn nối, hệ thống thoát nước khu bay; dịch chuyển một số hạng mục…
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là cần thiết, bởi vì với việc Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đặc khu thì trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội và động lực phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Cảng HKQT Vân Đồn cũng sẽ có cơ hội phát triển thành cảng hàng không lớn trong nước và khu vực. Trên cơ sở tính toán, để khai thác có hiệu quả tất cả các loại máy bay dự kiến tại cảng hàng không này, cần thiết phải có chiều dài đường CHC là 3.600m.
Hiện nay, Cảng hàng không đang trong giai đoạn xây dựng đồng bộ để đảm bảo đưa vào khai thác cuối năm 2018. Do đó, việc xây dựng kéo dài đường CHC thêm 60m trong giai đoạn xây dựng có nhiều thuận lợi, không phải đóng cửa sân bay. Nếu công tác kéo dài đường CHC (do thực tế khai thác yêu cầu) thực hiện sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ phải đóng cửa sân bay, gây gián đoạn hoạt động cũng như ảnh hưởng đến khai thác của toàn Cảng hàng không.
Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh gần 7.463 tỷ đồng
Tổng mức đầu tư của Dự án sau điều chỉnh là hơn 7.462 tỷ đồng, tăng hơn 203 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư trước điều chỉnh (hơn 7.258 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 4.081 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 1.144 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 734 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, dự phòng, lãi vay…
UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ dùng ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện giải phóng mặt bằng cho Dự án. Đối với nhà đầu tư, góp vốn chủ sở hữu hơn 672 tỷ đồng (xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư); số vốn còn lại 6.055 tỷ đồng là vốn huy động của nhà đầu tư. Mức lãi suất vay dự kiến của Dự án BOT này là 8%/năm sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong quá trình đàm phán ký kết Phụ lục hợp đồng Dự án theo quy định.
Để hoàn vốn đầu tư cho Dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép nhà đầu tư được quyền kinh doanh, khai thác công trình dự án để thu hồi vốn và lợi nhuận trong thời gian 43 năm.