Tín hiệu tăng CPI đã rõ ràng hơn |
Phục hồi cùng kinh tế thế giới
Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI 4 tháng tăng, theo phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là giá hàng lương thực và thực phẩm tăng khá mạnh, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng ổn định.
Đà tăng của CPI tháng 4, theo phân tích của bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), xuất phát từ việc chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11% do các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký và tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, việc giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diezen tăng 290 đồng/lít lần lượt vào các ngày 21/3/2016 và ngày 5/4/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu trong tháng 4 tăng 3,83% so với tháng trước, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,16%.
Dựa trên những tính toán theo mô hình kinh tế lượng vĩ mô, sử dụng số liệu quý, CIEM dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6,17%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 8,02%, thấp hơn so với cùng kỳ 2015 (đạt 9,28%); thâm hụt thương mại ở mức 0,42 tỷ USD, chủ yếu do cầu đầu tư và nhập khẩu tăng; CPI tăng khoảng 0,73%, cao hơn mức 0,65% cùng kỳ năm 2015.
“Kịch bản này phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước”, CIEM cho biết.
CIEM dẫn dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 ở mức 3,2% và dự báo của một số tổ chức quốc tế như giá nông sản xuất khẩu giảm 1,7%, giá dầu thô thế giới tăng khoảng 4,9% so với quý I. Cụ thể, theo dự báo mới nhất của EIA, giá dầu thô dự báo tăng từ mức 33,35 USD/thùng trong quý I lên 35 USD/thùng trong quý II.
Các yếu tố kinh tế trong nước làm cơ sở cho kịch bản kinh tế tăng trưởng này của CIEM là tỷ giá USD/VND trung tâm có thể được điều chỉnh tăng 1% so với quý I; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 5%; tín dụng tăng trưởng 3%; giá nhập khẩu giảm 1%; lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết không đổi so với quý I. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5% so với quý I.
Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 15% so với quý I, nhằm đón đầu cơ hội khi có thêm thông tin tích cực về việc phê chuẩn các FTA quan trọng (EVFTA, TPP...). Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ được bổ sung lần lượt 60.000 tỷ đồng và 17.000 tỷ đồng…
Cần thận trọng yếu tố tỷ giá
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), một biến số quan trọng cần được theo dõi chặt chẽ là khả năng tỷ giá USD/VND có biến động mạnh trong thời gian tới.
“Chỉ số dẫn báo áp lực tỷ giá do CIEM xây dựng và tính toán dựa trên các chỉ số thành phần là lạm phát, lãi suất và thâm hụt thương mại liên tục có những biến động tăng, giảm ở mức xấp xỉ 1-2% trong 3 tháng đầu năm 2016. Điều này cho thấy, thị trường ngoại hối vẫn cần theo dõi chặt chẽ trong quý II. Vấn đề này càng quan trọng hơn nếu Hoa Kỳ tăng lãi suất vào cuối tháng 4 và/hoặc Trung Quốc điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ”, ông Dương cảnh báo.
Theo CIEM, lạm phát tăng trong quý I hầu như không phải do các yếu tố tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với neo kỳ vọng lạm phát để doanh nghiệp yên tâm hơn với quyết định đầu tư dài hạn. Ổn định tỷ giá vẫn là một yêu cầu cần thiết trong quý II (thậm chí ngay từ cuối tháng 4). Cần nghiêm túc rà soát dư địa các công cụ chính sách hiện có để ứng phó với những diễn biến bất lợi của đồng USD trên thị trường thế giới.
“Bối cảnh kinh tế thế giới và tương tác giữa các nền kinh tế lớn còn khá nhiều bất định, đòi hỏi Việt Nam phải duy trì dư địa chính sách (ít nhất về tài khóa và tiền tệ) để bảo đảm khả năng ứng phó”, CIEM lưu ý.