Các chuyên gia cảnh báo, cơ cấu chi đang rất có vấn đề khi chi thường xuyên lên đến 70 - 71% tổng chi ngân sách. Ảnh: Lê Tiên |
Nợ công đang tăng chóng mặt
Theo TS. Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính, hiện khái niệm về nợ công của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức tài chính quốc tế đều có sự khác nhau. Phạm vi xác định nợ công của Việt Nam khác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) là không bao gồm 3 khoản nợ: nợ của Ngân hàng Nhà nước, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội.
Chưa tính các khoản này, năm 2016 dư nợ công ước khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%, sát trần nợ công 65% GDP và trần nợ Chính phủ 54% GDP. Tỷ lệ nợ công/GDP này cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước thu nhập trung bình, ASEAN, Mỹ La tinh, châu Phi. Theo ông Cường, nếu tính đủ cả 3 khoản nợ đã bị loại ra khỏi phạm vi nợ công, thì nợ công của Việt Nam đã lên tới trên 100% GDP.
Đáng lưu ý, ông Cường chỉ ra cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, năm 2014 là 80.000 tỷ đồng, năm 2015 là 130.000 tỷ đồng. Từ năm 2001 tới nay, nợ công liên tục tăng nhanh, với mức tăng trung bình 18,4%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Riêng nợ nước ngoài năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001.
Còn TS. Lê Đăng Doanh dẫn ra số liệu của một nhà nghiên cứu khác cho thấy nếu tính thêm nợ của các DNNN, nợ công của nước ta đã lên đến 210% GDP. Và Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có tốc độ tăng nợ công nhanh nhất.
Đi kèm với vô vàn rủi ro
Về mức độ an toàn của nợ công, ông Cường cho rằng, hiện chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay tại sao trần nợ công là 65% GDP. Tuy vậy, ông Cường cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công của Việt Nam, như rủi ro không trả được nợ từ các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp; rủi ro từ nợ xấu có khả năng mất vốn của DNNN và doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ chuyển thành nợ công; rủi ro hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại; rủi ro nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp chuyển thành nợ công;…
Ông Cường thể hiện sự lo ngại khi Việt Nam vay nợ nhiều trong bối cảnh là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần gây áp lực lớn tăng quy mô nợ công nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Ông Cường ví von, Việt Nam đang ở kỳ sung sức thì vay nợ nhiều để chi tiêu, đến già khi nhu cầu cần vay nhiều hơn sẽ khó và gánh nặng đổ hết lên thế hệ tương lai. Cách vay nợ này đang ngược với thế giới: nước có tỷ lệ nợ công cao là nước giàu, dân số già, ví dụ Nhật Bản nợ công tới 200% GDP.
Cùng chung mối lo ngại, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, lúc này rất cần một sự đánh giá đầy đủ nhất về nợ công. Dẫn một bài báo mới đăng đầu tháng 10 trên tờ Nikkei của Nhật Bản liên quan đến vấn đề này, ông Doanh cảnh báo, nếu việc chỉnh đốn chi ngân sách không được nhanh chóng thực hiện thì Việt Nam khó tránh bất ổn tài chính từ gánh nặng nợ công. Cảnh báo của ông Doanh xuất phát từ việc chúng ta đang đi vay nợ nhiều nhưng chi tiêu thì lãng phí, kém hiệu quả, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo. Ông Doanh trích lời một đại biểu Quốc hội: “Chi tiêu như thế này thì không ngân sách nào chịu nổi”. Đặc biệt, cơ cấu chi đang rất có vấn đề, khi chi thường xuyên lên đến 70 - 71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 24,5%, hầu như toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào đi vay. Số vay mới chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc nên nợ công tiếp tục tăng nhanh và chưa thấy điểm dừng. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.
“Việc chỉnh đốn chi ngân sách là hết sức cấp bách để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra”, ông Doanh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kiến nghị, khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, nếu không bổ sung thêm phạm vi nợ công thì cũng phải có các điều khoản đề phòng rủi ro từ nợ công tiềm ẩn; quản lý hiệu quả việc chi tiêu từ vốn vay, vì quan trọng nhất vẫn là vay để làm gì, sử dụng vốn vay ra sao để vay nhiều nhưng vẫn đảm bảo khả năng trả nợ.