Tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính từ đầu năm đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tăng, thì cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2020.
Tín hiệu tích cực là tuy dự án đăng ký mới giảm về số lượng nhưng tăng về số vốn đăng ký. Xu hướng suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung ở nhóm dự án quy mô nhỏ dưới 50 triệu USD với mức giảm 38,8%, số lượng các dự án quy mô trên 50 triệu USD trong 7 tháng năm 2021 tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án FDI cũng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Thực tế, bối cảnh thu hút vốn FDI trong các tháng đầu năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chạm đáy trong năm 2021, sau đó phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10 - 15%. Dòng vốn vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi gặp nhiều thách thức do tác động của dịch bệnh và việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Tâm lý lo ngại rủi ro toàn cầu tăng đột biến đã kích hoạt hoạt động rút vốn cổ phần, đặc biệt từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi ở Đông Á và Thái Bình Dương. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngay cả khi đại dịch dự kiến kết thúc vào năm 2021, mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 (sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu). Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Theo nhiều địa phương, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách giãn cách xã hội dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án hiện hữu cũng như tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác.
Một số ý kiến khuyến nghị, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhưng nhiều nước đối tác lớn đã đạt mức độ tiêm vắc xin khá lớn, cần tạo thuận lợi cho các chuyên gia vào Việt Nam, nhất là chuyên gia phục vụ dự án đầu tư. Hướng dẫn cụ thể các đơn vị hải quan địa phương trong việc triển khai áp dụng quy trình thủ tục hải quan nhanh 24/7, đặc biệt áp dụng đối với các doanh nghiệp OEM (doanh nghiệp sản xuất thiết bị gốc) của các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các cơ quan đăng ký đầu tư tăng cường áp dụng thủ tục đầu tư trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Bổ sung, điều chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư như ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển đổi số, công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong nước, có tác động chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chủ động đón đầu sự chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư chất lượng cao đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, chú trọng thu hút các tập đoàn có tác động lan tỏa tới các khu vực kinh tế trong nước cùng phát triển xuất khẩu và bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận lại về xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tại chưa chứng kiến làn sóng dịch chuyển này. Một số công ty lớn có kế hoạch dịch chuyển sản xuất sang các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chi phí chuyển đổi đáng kể và các hệ sinh thái phức tạp mà Trung Quốc đã xây dựng xung quanh cũng rất khó để chuyển giao và tái tạo ở những nơi khác. Do đó, chiến lược Trung Quốc + 1 dường như là lựa chọn thực tế và khả thi hơn với các nhà đầu tư.