Với giá mủ cao su liên tục lao dốc, mỗi năm ngành cao su Việt Nam bị “bốc hơi” hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhiều hộ cao su tiểu điền phải chặt bỏ, doanh nghiệp hạn chế cạo mủ, cắt giảm lao động để tồn tại là bức tranh phản ánh hiện thực ngành cao su VN trong năm 2015.
Trên sàn niêm yết, cả 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên đều đã công bố KQKD quý 4/2015 và cả năm 2015 với kết quả giảm sụt so với cùng kỳ.
Theo đó, riêng quý 4/2015 mức lãi cao nhất thuộc về công ty mẹ Cao su Phước Hòa (PHR) với gần 120 tỷ đồng, tuy nhiên con số này cũng giảm 6% so với cùng kỳ. Công ty mẹ cao su Đồng Phú và cao su Tây Ninh cũng lần lượt báo lãi trên dưới 20 tỷ đồng giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cao su Hòa Bình và cao su Thống Nhất không có lực đỡ từ lãi hoạt động khác khiến HRC lãi vỏn vẹn 1,62 tỷ đồng giảm 92% so với cùng kỳ, cá biệt TNC báo lỗ gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt 5,5 tỷ đồng, trước đó TNC cũng đã lên kế hoạch lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý 4/2015.
Lũy kế cả năm 2015, cả 5 doanh nghiệp này cùng đồng loạt có mức lãi ròng giảm sút so với cùng kỳ. Hiện Cao su Tây Ninh (TRC) chưa công bố BCTC quý 4/2015, nhưng KQKD 2015 đã được HĐQT công ty thống nhất với tổng doanh thu cả năm đạt 415 tỷ đồng; LNTT đạt 57,48 tỷ đồng và kết quả này giảm sâu so với con số 164,2 tỷ đồng LNTT năm 2014.
Được biết, các doanh nghiệp cao su đã đặt kế hoạch khá khiêm tốn cho năm tài chính 2015 nên việc hoàn thành với tỷ lệ khá cao kế hoạch năm cũng không thu hút được nhiều sự chú ý. So với chỉ tiêu đặt ra cho cả năm là doanh thu 446,87 tỷ đồng và LNTT 40,13 tỷ đồng, thì Cao su Tây Ninh đã chính thức vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm. HRC cũng vượt kế hoạch 18,5%.
Giá cao su thiên nhiên đã trải qua 3 năm liên tiếp “nguội lạnh”, trên sàn niêm yết lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên cũng đã giảm liên tiếp trong 3 năm qua.
Song các dự báo mới nhất cho thấy, mặt hàng “vàng trắng” có thể sẽ “ấm” lên trong năm 2016. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ chạm đáy vào quý IV/2015 trước khi phục hồi trở lại bắt đầu từ năm 2016. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá cao su sẽ phục hồi từ nay đến năm 2025. Theo dự báo mới nhất của WB, giá cao su RRS3 năm 2015 chạm đáy với mức giá bình quân là 1,5 USD/kg và dần phục hồi vào năm 2016, có mức giá bình quân là 1,54 USD/kg, đến 2025 là 2,09 USD/kg.
Với tương lai khả quan của ngành cao su thế giới, xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng có triển vọng tốt hơn trong năm 2016, sau khi giảm sâu trong 2015. Trong năm 2015, xuất khẩu cao su của VN đạt trên 1,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD. Lượng xuất khẩu cao su của VN tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Nhận định giá cao su tiếp tục ở mức thấp, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đã xây dựng kế hoạch năm 2016 với các chỉ tiêu cơ bản đó, tổng doanh thu dự kiến của VRG là 17.808 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 2.570 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cao su tự nhiên trên sàn niêm yết lại tỏ ra khá dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2016, Cao su Phước Hòa (PHR) đặt mục tiêu tổng doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cao su ước đạt 723 tỷ đồng, chiếm 80% cơ cấu cả năm. Doanh thu tài chính và doanh thu khác lần lượt đạt 38 tỷ và 138 tỷ đồng (trong đó, thanh lý vườn cây thu về 118 tỷ đồng). Theo đó, lãi trước thuế đặt chỉ tiêu 99 tỷ đồng, chỉ bằng gần 42% thực hiện trong năm 2015. Cao su Tây Ninh (TRC) đặt kế hoạch tổng doanh thu 2016 dự kiến chỉ đạt 338,5 tỷ đồng giảm 18% thực hiện 2015, lãi trước thuế chỉ còn hơn 37,6 tỷ đồng giảm gần 20 tỷ đồng. TNC cũng rất thận trọng với kế hoạch lãi khiêm tốn 2,15 tỷ đồng LNTT, chỉ bằng 1/5 kết quả đạt được của năm 2015.