Cao tốc Bắc - Nam chưa xong, chưa nói đến phát triển bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Không bàn lùi, đất nước không thể chờ, nền kinh tế không thể chờ. Làm xong tuyến đường, nền kinh tế sẽ phát triển vượt bậc, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, tăng cường an ninh quốc phòng và 60% dân số được hưởng lợi…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành cùng Bộ GTVT, tính toán các giải pháp huy động nguồn lực để “làm cho bằng được” tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Song Lê
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành cùng Bộ GTVT, tính toán các giải pháp huy động nguồn lực để “làm cho bằng được” tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Song Lê

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể mới đây về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT.

Trong dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT xác định ưu tiên đầu tiên là đầu tư 1.301 km để nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ. Trong đó, đang đầu tư 654 km của 11 dự án thành phần theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, đầu tư 10 đoạn còn lại dài 647 km. Mục tiêu đến 2025 đầu tư nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ (cần đầu tư thêm khoảng 1.301 km) và một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn (đầu tư khoảng 814 km) để đảm bảo tới năm 2025 có khoảng 3.278 km đường bộ cao tốc.

Đầy tâm huyết với tuyến đường huyết mạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ quan điểm lựa chọn ưu tiên đột phá của Bộ GTVT là làm cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Không phải chỉ đến khi Bộ GTVT đề xuất, Dự án Cao tốc Bắc - Nam là trăn trở suốt nhiều năm qua của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Cách đây 10 năm, khi là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, góp ý vào Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu quan điểm đối với các dự án lớn được ưu tiên lựa chọn và tập trung đầu tư cần phải đáp ứng một số yêu cầu như đảm bảo tính đồng bộ và khả năng kết nối; phải là những dự án lớn, có tầm chiến lược đối với các ngành trong một giai đoạn phát triển dài của đất nước đến năm 2020, 2030 và có thể đến 2050; thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và là nền tảng của sự phát triển vững chắc... Trong đó, về đường bộ, không ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A mà tập trung triển khai ngay tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam…

“45 năm sau giải phóng, đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có được tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nối hết chiều dài đất nước, trong khi đây là tuyến đường huyết mạch, là trục xương sống kết nối 30 tỉnh, thành của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói đó là điều phải suy nghĩ, phải thấy xấu hổ, để quyết tâm cao hơn trong giai đoạn tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề không phải là không có tiền để đầu tư cao tốc, mà là ở tư duy. 10 năm trước, thay vì bỏ ra 105 nghìn tỷ đồng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, thì tập trung ngay làm đường cao tốc, kết quả đến nay đã rất khác.

Dù là việc đã qua, nhưng trong thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn tới, bài học kinh nghiệm của giai đoạn trước, mặt được và chưa được đều rất cần thiết phải nhìn nhận để tránh lặp lại.

Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có quyết tâm chính trị cao nhất, đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, nối thông bằng được toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam đến tận Cà Mau vào năm 2025, thay vì đến Cần Thơ như dự kiến của Bộ GTVT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo nghiên cứu nối thông cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đến Cà Mau tại chuyến làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dù mới là ý tưởng, nhưng hình dung về một ngày đi đến đất mũi Cà Mau bằng cao tốc đã là niềm hân hoan, chất chứa nhiều hy vọng cho người dân Cà Mau nói riêng, Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tuyến đường cao tốc nối liền mạch từ Lạng Sơn đi Cà Mau khi hoàn thành đi qua 30 tỉnh, thành phố, nhiều khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trung tâm văn hóa, du lịch, sẽ tạo tiềm năng, cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành cùng Bộ GTVT, tính toán các giải pháp huy động nguồn lực để “làm cho bằng được” tuyến đường quan trọng này.

Tin cùng chuyên mục