Hiện nay, 25 gói thầu xây lắp của Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch được 559,5 km/721,3 km và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% mặt bằng vào quý II/2023. Dự án dự kiến xây dựng 156 khu tái định cư với tổng diện tích đất 444,7 ha. Hiện các địa phương đã lập dự án xây dựng 152 khu, phê duyệt 44 khu, triển khai thi công 30 khu...
Hiện các nhà thầu đang tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ và tổ chức triển khai thi công các hạng mục đường công vụ, đào bóc hữu cơ, thi công nền đường tuyến chính… Tuy nhiên, giá trị thực hiện toàn Dự án đến nay mới đạt khoảng 114 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, một số nhà thầu cho biết, mặc dù diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao được đạt trên 77% nhưng lại trong tình trạng “xôi đỗ” nên khó tổ chức thi công đồng loạt. Việc GPMB phần khối lượng còn lại cũng là một thách thức lớn vì chủ yếu là đất ở, quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất phức tạp. Bên cạnh đó, thủ tục triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian…
Một cán bộ của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, câu chuyện GPMB rất nan giải khi các chi phí bồi thường của Dự án được lập trên cơ sở đơn giá của Nhà nước tại thời điểm Dự án chưa được phê duyệt. Sau khi Dự án bắt đầu triển khai, nhiều hộ dân thực hiện mua đi bán lại các thửa đất này với giá cao hơn tới vài lần nên việc đền bù, GPMB rất khó khăn. Hiện có nhiều người dân phản đối, đòi được đền bù cao hơn.
Một số nhà thầu đang thi công 10 đoạn tuyến cao tốc từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cho biết, cần nhất và thiếu nhất là đất đắp nền đường. Hầu hết mỏ vật liệu sử dụng cho Dự án đều đã được địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, kể cả áp dụng cơ chế đặc thù theo các nghị quyết của Chính phủ về khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng khó đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp.
Bên cạnh đó, các địa phương rất lúng túng trong việc triển khai thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Lý do là nhiều địa phương chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất. Theo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không bao gồm chi phí để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu. Trong khi đó, theo nội dung Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS, để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường giao cho nhà thầu thi công khai thác, các nhà thầu không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, song Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ lại yêu cầu phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Theo Bộ GTVT, hồ sơ khảo sát của tư vấn tại 102 mỏ đá, 104 mỏ cát và 109 mỏ đất đắp cho 10 dự án cao tốc thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cho thấy, các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ thi công. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của Dự án. Còn ở các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau thì tổng trữ lượng vật liệu cát không đáp ứng đủ nhu cầu tiến độ triển khai dự án (2 dự án cao tốc này chủ yếu sử dụng cát đắp nền đường).
Theo ý kiến của một số nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, nếu các bộ, ngành và địa phương có Dự án đi qua không quyết liệt chỉ đạo và có cơ chế thấu đáo để giải quyết 2 điểm nghẽn về mặt bằng và vật liệu xây dựng cho Dự án thì Dự án khó tăng tốc. Dù đã phát lệnh khởi công rầm rộ nhưng thực tế các gói thầu thi công “nhỏ giọt” vì thiếu mặt bằng sạch và vật liệu đất, cát làm nền đường.