Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua Đắk Lắk: Không để nhà thầu lo lắng về mặt bằng, vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên quan đến Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, trong kế hoạch mới của tỉnh Đắk Lắk, công trình này sẽ được khởi công vào ngày 27/6/2023. Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 là hơn 6.000 tỷ đồng, gồm 7 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu xây lắp.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Chủ đầu tư Dự án - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, các gói thầu thi công xây dựng thuộc Dự án thành phần 3 được thực hiện chỉ định thầu. Ngay sau khi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán của 3 gói thầu xây lắp, Chủ đầu tư sẽ thực hiện các công việc liên quan đến công bố thông tin chỉ định nhà thầu.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án thành phần 3 được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình đoạn Km69+500 - Km86+00 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) (EC) có giá 1.440,738 tỷ đồng. Gói thầu có chiều dài tuyến 16,5 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 5 công trình cầu (1 cầu cấp II, 3 cầu cấp III, 1 cầu cấp IV).

Gói thầu số 02 Thi công xây dựng công trình đoạn Km86+00 - Km101+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) (EC) có giá 1.567,190 tỷ đồng. Chiều dài tuyến là 15,5 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 10 công trình cầu (9 cầu cấp III, 1 cầu cấp IV).

Gói thầu số 03 Thi công xây dựng công trình đoạn Km101+500 - Km117+593 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) (EC) có giá 1.554,095 tỷ đồng với chiều dài tuyến 16,093 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 13 công trình cầu (13 cầu cấp III). Cả 3 gói thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày.

Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 48 km qua địa phận tỉnh Đắk Lắk. Chủ đầu tư cho biết, UBND Tỉnh đã bố trí hơn 1.359 tỷ đồng để thực hiện Dự án này.

Rút kinh nghiệm điểm nghẽn trong quá trình triển khai nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam tại nhiều địa phương vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết đang song song đẩy nhanh 2 phần việc quan trọng nhất, đó là giải phóng mặt bằng và chủ động nguồn mỏ vật liệu phục vụ Dự án. Theo đại diện Chủ đầu tư, 3 huyện có Dự án đi qua gồm: Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin đều đang làm chủ tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, cả 3 huyện đều cam kết đến ngày 30/6/2023 sẽ bàn giao 70%, giữa tháng 9/2023 sẽ bàn giao 100% cho các nhà thầu thi công.

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động bổ sung 11 mỏ đất, 14 mỏ cát, 24 mỏ đá, 14 trạm trộn và 15 bãi đổ vật liệu xây dựng để phục vụ Dự án.

“Trong bối cảnh khu vực phía Nam đang đồng loạt triển khai nhiều dự án cao tốc, việc tiếp cận nguồn vật liệu của nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Việc tỉnh Đắk Lắk liên tục rà soát, bổ sung các mỏ vật liệu, bãi thải đã khiến Chủ đầu tư và các nhà thầu yên tâm dồn sức cho Dự án, bảo đảm tiến độ ngay sau lệnh khởi công”, ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết thêm, tỉnh Đắk Lắk đã có thời gian dài chuẩn bị và trình hồ sơ cấp phép khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Đến thời điểm hiện tại, việc xác định nguyên tắc với các mỏ đã sắp hoàn tất. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã thông báo cụ thể các điểm mỏ vật liệu, xác định giá cả, trữ lượng khai thác, quy trình tổ chức khai thác mỏ vật liệu để phục vụ cho Dự án.