Cập nhật, bổ sung chế tài xử phạt trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), nhiều quy định tại Nghi định không còn phù hợp, cần thiết phải rà soát, bổ sung, cập nhật nhằm tạo tính răn đe và ngăn ngừa đối với các hành vi vi phạm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Số vụ vi phạm trong đấu thầu giảm mạnh

Theo kết quả tổng hợp của Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.705 vụ việc vi phạm, ban hành 2.776 quyết định xử phạt. Trong đó có 49 quyết định xử phạt thuộc lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công (chiếm tỷ lệ 1,77%); 1.281 quyết định xử phạt thuộc lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài (chiếm tỷ lệ 46,15%); 188 quyết định xử phạt trong lĩnh vực đấu thầu (chiếm tỷ lệ 6,77%); 1.258 quyết định xử phạt thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh (chiếm tỷ lệ 45,32%). Tổng số đối tượng vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT gần 5 năm qua là 2.758 đối tượng, tổng số tiền xử phạt là 46,3 tỷ đồng.

So với giai đoạn 2013 - 2016, từ khi triển khai Nghị định số 50/2016/NĐ-CP (giai đoạn 2016 - 2020), cơ cấu hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT có sự thay đổi. Số vụ vi phạm trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất. Số vụ vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu giảm mạnh, từ 40% xuống còn 6,77%. Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, số vụ vi phạm ở mức khoảng 45% ở cả 2 giai đoạn.

Tại cuộc họp của Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP diễn ra mới đây, nhiều ý kiến nêu ra những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện Nghị định số 50/2016/NĐ-CP như: một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT đã phát hiện do cơ quan quản lý nhà nước, công chức thi hành công vụ thực hiện, nên chỉ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức, không xử phạt được, chưa kịp thời răn đe nên hiệu quả không đạt được yêu cầu đặt ra. Việc đôn đốc các đối tượng thực hiện quyết định xử phạ mất nhiều thời gian và công sức, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế theo thủ tục hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT trên thực tế khó thực hiện vì trình tự thủ tục, chi phí thực hiện cưỡng chế tốn kém, có trường hợp còn cao hơn cả số tiền phải thực hiện cưỡng chế…

Cần thiết bổ sung quy định, tăng chế tài xử phạt

Ông Lương Văn Kết, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT cho biết, sau khi Nghị định số 50/2016/NĐ-CP được ban hành, một số văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được ban hành và chưa được cập nhật trong các quy định của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Một số hành vi bị coi là vi phạm theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP thì tại các luật mới không còn là vi phạm. Kể từ ngày 1/1/2021, một số luật mới được Quốc hội thông qua đã có hiệu lực thi hành, vì vậy, cần phải khẩn trương xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT, rà soát, bổ sung các chế tài để tránh tình trạng phát hiện hành vi vi phạm nhưng không thể xử phạt do chưa có chế tài phù hợp.

Một số đại biểu cho biết, trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hiện nay vẫn chưa có biện pháp xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không khai báo, làm thủ tục giải thể. Trong lĩnh vực đầu tư, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP còn thấp, không đủ sức răn đe, chỉ phạt 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giãn tiến độ, không thực hiện dự án sau 12 tháng. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư lợi dụng để đầu cơ đất, giữ đất hoặc đăng ký đầu tư rồi bán lại dự án…

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, cần rà soát, cập nhật và bổ sung các quy định nhằm bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT. Bên cạnh các chế tài liên quan đến số tiền xử phạt, cần bổ sung chế tài về xử lý hành chính (cảnh cáo, kiểm điểm cá nhân…), đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý công việc của mình để tăng tính răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.