Cấp thiết tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau bão

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bão số 3 (Yagi) khiến các doanh nghiệp (DN) tại 26 địa phương chịu thiệt hại nặng nề, rất cần những hỗ trợ thiết thực để khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều DN cho biết, gần 1 tháng trôi qua, họ gần như chưa thể tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, Chỉ thị số 04/CT-NHNN…
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Thanh Huyền
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Thanh Huyền

Hình ảnh gió bão giật tung từng mảng kính của tòa chung cư, khách sạn 5 sao Alacarte Hạ Long được coi là minh chứng cho sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Yagi. Ông Đỗ Việt Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Taseco kiêm Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty TNHH Alacarte Hạ Long (chủ đầu tư của tòa nhà này) cho biết, thiệt hại sơ bộ do bão gây ra cho Công ty lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Để hỗ trợ DN khắc phục hậu quả do bão và tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và cam kết đồng hành hỗ trợ DN như cơ cấu lại các khoản nợ, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu…, nhưng theo đại diện Alacarte Hạ Long, đến nay gần như chưa có hỗ trợ thực tế nào cho DN.

Cụ thể, trước khó khăn của hàng trăm khách hàng có căn hộ bị thiệt hại, Chủ đầu tư đã gửi văn bản tới 35 chi nhánh của 14 ngân hàng đề nghị hỗ trợ lãi suất, ân hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi… cho các khách hàng. Tuy nhiên, đến nay, Chủ đầu tư mới nhận được 1 văn bản đồng ý hỗ trợ, còn lại có ngân hàng nói không, có ngân hàng trả lời đang xem xét.

Về bồi thường bảo hiểm, Chủ đầu tư chưa được nhận một đồng chi trả nào. Đến nay, công ty bảo hiểm mới cử nhân viên đến kiểm tra, ghi nhận thiệt hại và đang trong quá trình thẩm định với nhiều yêu cầu thủ tục, hồ sơ giấy tờ. Thẩm định chậm, bồi thường chưa có khiến cho việc đặt hàng thiết bị, thi công sửa chữa bị chậm theo. Để hoàn tất thủ tục nhập khẩu cộng với thời gian thi công lắp đặt khoảng 1 - 2 tháng, Công ty sẽ phải mất từ 3 - 3,5 tháng mới có thể hoàn tất sửa chữa, thay thế thiết bị để đưa khách sạn quay trở lại hoạt động.

“Chậm ngày nào là chúng tôi mất đi cơ hội ngày đấy, mức thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều so với giá trị thiệt hại vật chất trước mắt, từ dòng tiền, chi phí nhân công cho đến cơ hội kinh doanh”, ông Thanh nói.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc cung ứng dịch vụ du lịch, kinh doanh lưu trú trở lại còn phụ thuộc vào công cuộc tái thiết đồng bộ hạ tầng của TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), trong đó có việc trục vớt những con tàu bị đắm trên vịnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, trong điều kiện bình thường, chi phí trục vớt tàu thuyền bị đắm khoảng 40 - 60 triệu đồng, thì nay có thể lên đến hàng tỷ đồng đối với tàu thuyền lớn. Đây là thách thức không nhỏ, trong khi nhiều DN, chủ hộ kinh doanh vừa “trắng tay” sau bão, mất đi toàn bộ tài sản với chi phí đầu tư trung bình mỗi du thuyền trên 500 triệu đồng cộng thêm các khoản nợ vay ngân hàng cả gốc lẫn lãi (Quảng Ninh thống kê có 27 tàu đắm).

Tổn thất lớn như vậy, nhưng ông Sơn cho biết, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là DN, hộ kinh doanh lĩnh vực du lịch chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Trong khi đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có quy định về cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, miễn - giảm lãi vay… (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP…). “Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn thuế và tiếp tục cho vay mới để người dân, DN phục hồi sản xuất, tạo điều kiện cho nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch có thể khai thác dịch vụ ngay”, ông Sơn đề xuất.

Về phía chính quyền địa phương, đại diện UBND TP. Hạ Long cho biết, ban đầu, chính quyền Thành phố chủ trương hỗ trợ trục vớt tàu thuyền bị chìm, đắm do bão với mức tối đa 50 triệu đồng/tàu 12m, nhưng hiện chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, nên Thành phố dự kiến bố trí một khoản ngân sách ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này được cho là thấp so với mong mỏi của người dân và DN. Trước mắt, Thành phố đã làm việc với cơ quan thuế, ngân hàng để hỗ trợ DN về thủ tục hành chính.

Ghi nhận phản ánh của các DN, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát và đốc thúc các ngân hàng thương mại triển khai chính sách hỗ trợ (như hạ lãi suất, gia hạn trả nợ…) nhanh và kịp thời cho người dân, DN là đối tượng chịu thiệt hại.

Riêng đối với những DN chịu thiệt hại nặng nề do bão trong lĩnh vực du lịch và một số lĩnh vực khác, bà Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo Thông tư về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng… với thời hạn góp ý đến ngày 3/10/2024. Sau khi Chính phủ có ý kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống.

Tại cuộc tọa đàm về khắc phục hậu quả bão số 3 ngày 1/10/2024, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị, quy trình tiếp cận chính sách hỗ trợ DN cần rút gọn và linh hoạt hơn để các đối tượng được thụ hưởng kịp thời. Các gói chính sách phải được ban hành khẩn trương, ngay và luôn, vì các DN đang chạy nước rút trong những tháng cuối năm, đảm bảo duy trì sản xuất, tiến độ đơn hàng… Nếu không nhanh thì sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, không chỉ giảm tăng trưởng GDP 0,15 điểm % như dự báo, mà có thể giảm nhiều hơn. Mức thiệt hại sơ bộ 81.000 tỷ đồng do bão Yagi gây ra là một khoảng trống rất lớn cần bù đắp. Bên cạnh việc tận dụng nhanh các chính sách hiện có, Chính phủ cần có gói chính sách hỗ trợ đặc biệt, có thể huy động Quỹ Phòng chống thiên tai 2.000 tỷ đồng hay kết dư Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 hơn 3.100 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục