Cầu thế giới tăng, cần gỡ lực cản trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu hàng hóa đang hồi phục mạnh mẽ ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hiệp định tự do thương mại (FTA) tiếp tục tạo cơ hội rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường và nắm bắt cơ hội phát triển, doanh nghiệp Việt cần các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn.
Một số ngành hàng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu, Mỹ. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngành hàng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu, Mỹ. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Chia sẻ câu chuyện kinh doanh năm nay, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, diễn biến năm 2021 rất khác năm 2020. Năm trước, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu. Quý II năm ngoái, doanh nghiệp này phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động. Năm nay, May 10 có quá nhiều đơn hàng và làm không hết.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, năm nay nếu nhận định đúng, xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng vượt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội để xuất khẩu cân bằng cho thị trường nội địa yếu, bởi châu Âu và Mỹ đang phục hồi tốt.

Nhìn nhận từ các chỉ số kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong các tháng đầu năm, sự bứt phá mạnh mẽ trong xuất nhập khẩu cho thấy xu hướng phục hồi tích cực, phản ánh cầu thế giới bắt đầu hồi phục. Sức bật của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua rất tốt.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn vì chúng ta có 16 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có 2 FTA mới bắt đầu có hiệu lực là CPTPP và EVFTA với nhiều mặt hàng hưởng lợi rõ rệt. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế trên thế giới hồi phục.

Dù có cơ hội lớn như vậy, song theo các doanh nghiệp, thách thức hiện tại của họ là không hề nhỏ. Ông Thân Đức Việt cho biết, hiện quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho doanh nghiệp về cách thức cụ thể để vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch.

“Chúng tôi đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà, nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để duy trì sản xuất, bởi may mặc là theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần. Cả 1 năm hoạt động khoảng 300 ngày công. Có doanh nghiệp ở Bắc Ninh phải đóng cửa 21 ngày, tức là mất 7% tổng thời gian làm việc cả năm. Với ngành may và điện tử, mất 1 ngày công cũng đã rất ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng. Do đó, đây là bài toán khó với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may, điện tử và cần có quy định cụ thể về giãn cách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất”, ông Việt nói.

Cơ chế vắc xin và hỗ trợ chọn lọc

Đánh giá về các giải pháp cho thời gian tới, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, diễn biến dịch bệnh hiện nay phức tạp hơn năm ngoái bởi tác động đến bệnh viện và các nhà máy. Chi phí hoạt động của các doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể bởi phải tăng chi cho phòng chống dịch.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay. Từ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, các gói hỗ trợ cần tiếp cận theo hướng công bằng, thiết thực hơn. Nếu mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch thì sẽ công bằng hơn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch Covid-19”, ông Hiếu nói. Đồng thời, vắc xin vẫn là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài nguồn vắc xin từ Chính phủ, cần có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vắc xin cho người lao động.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú, cần chia nhóm doanh nghiệp theo mức độ khẩn cấp và mức độ đóng góp ngân sách nhà nước để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay và cũng phân loại dựa trên mức độ đóng góp ngân sách.

Ưu tiên tiếp theo là nhóm các doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và có khả năng hồi phục tốt, có thể hỗ trợ bằng các giải pháp mở cửa thị trường, tạo điều kiện đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch, và tiếp tục mở rộng sản xuất trong điều kiện dịch. 500 doanh nghiệp đứng đầu cả nước nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả thậm chí còn tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh. Còn nhóm những doanh nghiệp không may, buộc phải đóng cửa dài hạn thì chọn hỗ trợ cách khác, có thể thông qua việc kêu gọi các quỹ đóng góp của xã hội.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục